Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sài Gòn qua từng trang viết

Vân Hạ| 01/05/2021 06:06

(HNMCT) - Nếu Hà Nội là mảnh đất “gây thương nhớ” cho biết bao văn nghệ sĩ thì Sài Gòn (tên gọi cũ của thành phố Hồ Chí Minh) cũng là vùng đất neo đậu nhiều cảm xúc của các nhà văn, nhà thơ. Những năm gần đây, ngày càng nhiều tản văn, tạp bút viết về Sài Gòn được ra mắt độc giả.

Ngày càng nhiều tản văn, tạp bút viết về Sài Gòn được ra mắt độc giả.

Từ lâu, Sài Gòn luôn là đề tài được nhiều tác giả quan tâm. Nhiều cây bút lão thành gắn bó với đề tài Sài Gòn như nhà văn Sơn Nam với “Giới thiệu Sài Gòn xưa”, “Ấn tượng Sài Gòn 300 năm”, “Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa & Người Sài Gòn”; Vương Hồng Sển với “Sài Gòn năm xưa”; Bình Nguyên Lộc với “Những bước lang thang trên hè phố”; Lê Văn Nghĩa với “Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ”, “Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ”...

Nhưng dường như chỉ khi thể loại tản văn, tạp bút “bung nở” thì mới xuất hiện ngày càng nhiều đầu sách viết về Sài Gòn với nhiều cây bút trẻ. Trải lòng mình với Sài Gòn trên từng trang tạp bút, tản văn, những lát cắt của các tác giả viết về Sài Gòn hết sức đa dạng, tạo nên bức tranh sách Sài Gòn đầy màu sắc và nhạc điệu. Đó là một Sài Gòn viết từ ký ức với “Sài Gòn vang bóng” đầy ắp tư liệu của Lý Nhân Phan Thứ Lang, “Sài Gòn còn chút gì để nhớ” những năm 1960 - 1970 của Phan Kế Tựu, “Ký ức một ảnh viện Sài Gòn” của Nguyễn Vĩnh Nguyên, “Vọng Sài Gòn” của Trác Thúy Miêu, “Sài Gòn một thuở - Dân ông Tạ đó” của Cù Mai Công, “Sài Gòn - một sợi tơ lòng” của Lê Hoàng Hựu...

Đó là một thành phố hiện đại, sôi động, vội vã, tất bật với cuộc sống thường nhật nhưng ẩn chứa bài học về sự tử tế, về lòng nhân hậu trong “Sài Gòn - chữ vội trên vai” của Vũ Minh Đức; với câu chuyện của những người nhập cư trong “Sài Gòn - Thị thành hoang dại” của Khải Đơn; với không gian và thời gian của các tầng lớp bình dân góp sức giữ nhịp sống bất tử cho đô thị trong “Sài Gòn - Nhịp sống Bình Dân” của Trần Tiến Dũng...   

Với nhà thơ Trần Tiến Dũng, đây đã là cuốn sách thứ 3 anh viết về Sài Gòn. Trước đó, nhà thơ cảm thức Sài Gòn qua những món ăn. “Món ngon và gia vị cảm xúc” và “Không gian gia vị Sài Gòn” của anh đã mở ra thế giới ẩm thực Sài thành mà ở đó, món ăn ngon nhất là món ăn được “nêm thêm gia vị cảm xúc của mình”. Mê say với ẩm thực Sài Gòn, tác giả Đàm Hà Phú kể những câu chuyện ấm áp tình người với “Bánh mì Sài Gòn”, “Sài Gòn lạc xoong”, “Làm vài chai ở Sài Gòn”, “Cá rô bông điên điển”... trong hai cuốn tản văn “Chuyện nhỏ Sài Gòn” và “Sài Gòn bao nhớ”.

Tác giả Ngữ Yên tái hiện câu chuyện ẩm thực trên mâm cơm, bên bàn nhậu của người Sài thành trong “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” và “Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê” bằng giọng văn hóm hỉnh. Tác giả Lê Lade viết “Sài Gòn chuyện tập tàng” để kể với độc giả từ “Lược sử truyền miệng thức uống Sài thành” đến chuyện “Nàng Cơm”. Chuyện về ẩm thực còn “cuốn” nhiều tay viết không chuyên, thôi thúc giục giã họ cầm bút mà trải lòng mình như “Sài Gòn quán xá thương yêu” của Lưu Quang Minh và Trần Khánh Ngân, hay bộ ba sách tản văn gồm “Sài Gòn sau màn bụi”, “Ngon vì nhớ”, “Hẻm phố thông ra thế giới” tuyển chọn bài viết của nhiều tác giả.

Mỗi vùng đất dẫu rộng đến đâu cũng có những đường biên, chỉ những cảm xúc, quan sát, khám phá, phát hiện qua từng con phố, hàng cây, từng món ăn thức uống, từng ngõ hẻm, mùa qua thành phố hay cuộc đời mỗi người dân ở nơi này... là mãi mãi vô tận. Những trang viết về Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, bởi thế, vẫn tiếp tục mở rộng ra các chiều không gian, thời gian mà đong đầy cảm xúc với “Sài Gòn 7000 đêm và thương... rồi nhớ” của Hoài Hương và Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, “Sài Gòn những mùa yêu” của Trần Thùy Linh, “Sài Gòn thương còn hổng hết” của Hoàng My, “Sài Gòn thềm xưa nắng rụng” của Trương Gia Hòa...

Và bởi thế, lại tiếp tục có những nhà văn đắm đuối với Sài Gòn như thể đề tài Sài Gòn không bao giờ vơi cạn. Tiêu biểu phải kể đến Nguyễn Ngọc Hà với cả một bầu trời kỷ niệm, để từ đó chị viết các tập sách “Sài Gòn đi và nhớ”, “Sài Gòn tình yêu của tôi”, “Sài Gòn thương và nhớ”... Phạm Công Luận sau những cuốn sách “hot” như “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, “Những lối về ấu thơ”, anh như trở thành “nhà Sài Gòn học” với “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm”, “Những bức tranh phù thế”, “Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa”, hai tập “Tùy Bút - Hồi Ký - Giai Thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa”, và đặc biệt là bộ “Sài Gòn - chuyện đời của phố” gồm 5 cuốn rất được độc giả yêu thích.

Phạm Công Luận từng viết: “Sài Gòn. Khi nghĩ về nó vẫn như mình chưa nghĩ chín. Vượt qua những ngày mưa gió, nắng nôi của cuộc kiếm sống lam lũ, tôi vẫn thấy yêu Sài Gòn như từng yêu (...) Dù sao, cuộc sống có tiến lên vẫn chừa cho mình những khoảng lặng để mà yêu tiếp Sài Gòn”. Đó có lẽ cũng là cảm xúc chung của rất nhiều người đã và đang gắn bó với mảnh đất này, để những trang viết về nơi đây vẫn tiếp tục được ra mắt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sài Gòn qua từng trang viết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.