(HNMCT) - Hoạt động của công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua cho thấy những con số vui khi số lượng sách và xuất bản phẩm đạt 250 triệu bản, tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi xuất bản phẩm vi phạm giảm. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động góp phần xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đã được tổ chức, lan tỏa rộng rãi...
Sách in ngày càng phong phú
Thực tế, thị trường sách thời gian gần đây đã thực sự khởi sắc. Chưa bàn đến nội dung của các đầu sách thì con số tăng 6,9% về số xuất bản phẩm, tăng 43,6% về bản in so với cùng kỳ năm 2018 đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng của xuất bản trong bối cảnh chúng ta vẫn thường lo ngại người Việt đọc quá ít sách mỗi năm. Số lượng xuất bản phẩm bắt đầu tăng ấn tượng trong khoảng 2 năm trở lại đây sau một thời gian sụt giảm, hiện đạt hơn 250 triệu bản. Điều này cho thấy những nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp và đặc biệt là của cộng đồng trong việc lan tỏa, bồi đắp văn hóa đọc, xây dựng các mô hình tủ sách và tổ chức các hoạt động về sách một cách thực sự hiệu quả.
Không chỉ người dân thành phố mới có thể dễ dàng tiếp cận với sách, mà tại các địa phương, thông qua nhiều “kênh”, từ hệ thống các cửa hàng sách cấp huyện, các sàn thương mại điện tử kinh doanh sách cho đến các dự án, chương trình sách hóa nông thôn, một lượng sách không nhỏ đã đến được với trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng kinh tế còn khó khăn. Các mô hình đường sách, phố sách, các chương trình hội sách, hoạt động đổi mới thư viện... đã được nhiều địa phương chú trọng thực hiện, tạo không khí một xã hội học tập, thúc đẩy thị trường xuất bản sách phát triển mạnh mẽ hơn.
Ở thời kỳ mà văn hóa nghe nhìn và internet đang chiếm ưu thế thì sự tăng trưởng của sách in rõ ràng là một bất ngờ. Theo bà Phạm Thị Hóa, Phó Giám đốc Nhà sách trực tuyến Fahasa:
“Ngành xuất bản sách của Việt Nam có những bước phát triển rất tốt. Lượng sách mới được xuất bản nhiều, trong đó có nhiều đầu sách bán chạy. Sức mua đã tốt hơn so với những năm trước, thị trường phát hành sách vì vậy sôi động không kém so với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các đơn vị phát hành”. Bên cạnh các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương thì các xuất bản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của xã hội với nhiều đối tượng độc giả ngày càng được chú ý hơn. Các đầu sách được giới thiệu rộng rãi đến độc giả giờ đây không chỉ dừng ở các tác phẩm văn học mà còn ở các thể loại sách phi hư cấu vốn trước đây được cho là sách chuyên ngành, ít người đọc.
Thực tế chứng minh, ngoài những cuốn sách về di sản như Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Bản sắc Việt từ tranh Hàng Trống…, những cuốn sách tranh, ảnh, nhạc của các họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia cũng có sức hút mạnh mẽ. Những dòng sách về khoa học cũng chưa bao giờ được đón nhận nhiệt thành như hiện nay. Có thể kể đến các đầu sách về danh nhân khoa học, sách y học thường thức, sách cung cấp các kiến thức cơ bản về tự nhiên, vũ trụ... Nhà văn Nguyễn Phong Điệp vốn là học sinh chuyên văn và mong muốn con mình đọc những cuốn sách tinh tế, có chất văn nhưng cũng chia sẻ rằng cần phải tôn trọng sở thích của con, không ép buộc nếu sách con chọn đọc không phải thuộc dòng văn học. Tạo điều kiện để trẻ được tiếp cận với sách đã là một thành công, không nhất thiết phải là văn học.
Một cuốn sách thu hút người đọc hôm nay không chỉ cần bảo đảm tốt về nội dung mà còn cần đáp ứng những yêu cầu cao về hình thức, đặc biệt ở dòng sách cho trẻ em. Nhiều nhà xuất bản (NXB) đã và đang hướng đến các đầu sách được in trên giấy chất lượng cao, mực in không độc hại, thậm chí lấy ý kiến bạn đọc về thiết kế bìa trước khi in sách. Các đầu sách ngày càng phong phú, cả về khổ sách, màu sắc và nội dung. Để phục vụ nhu cầu của nhiều nhóm bạn đọc, có ấn phẩm còn được in bản bìa cứng/ bìa mềm với mức giá khác nhau, bản thường/ bản đặc biệt có đánh số phục vụ những độc giả chơi và sưu tầm sách.
Lối đi nào cho sách điện tử?
Trong khi số lượng sách in tăng mạnh vài năm gần đây thì số lượng sách điện tử lại không phát triển được như kỳ vọng. 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 92 xuất bản phẩm điện tử với hơn 1,2 triệu lượt phát hành. Mặc dù được coi là xu hướng của tương lai, là xu thế chung của toàn cầu nhưng thị trường sách điện tử Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi để có thể thực sự phát triển đúng tiềm năng.
Cụ thể, hiện mới chỉ có 5/59 NXB có hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử, một số NXB khác vẫn còn đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đây cũng là một trong điểm khó của các NXB khi những chi phí về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực cho xuất bản điện tử khá tốn kém. Thiếu sợi dây liên kết giữa các NXB, thiếu một nền tảng chung để có thể sử dụng và hỗ trợ lẫn nhau nên “mạnh ai nấy làm”, mỗi NXB, mỗi đơn vị phát hành sách điện tử lại tùy điều kiện của mình mà đầu tư, dẫn đến tình trạng phân mảnh.
Sự phát triển manh mún, mỗi đơn vị một chuẩn mực kỹ thuật, một ứng dụng đọc riêng trong khi số lượng đầu sách không nhiều đã gây bất tiện cho độc giả bởi phải tải rất nhiều ứng dụng của nhiều đơn vị cung cấp sách điện tử khác nhau về thiết bị đọc của mình. Quan trọng hơn là tình trạng sách điện tử lậu nhan nhản khắp các trang mạng. Bắt được sách in lậu đã khó, xử lý sách điện tử lậu càng không dễ dàng, khi nạn vi phạm bản quyền sách điện tử khá phổ biến, việc phát tán các sách điện tử không có bản quyền trên mạng ngày càng nghiêm trọng. Đây cũng là lý do khiến nhiều NXB và đơn vị phát hành sách điện tử chỉ cho khai thác tác quyền những tác phẩm cũ, không còn sức nóng trên thị trường.
Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mọi thứ đều dựa trên nền tảng kỹ thuật số thì sách điện tử là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xuất bản. Song, nếu không có một cuộc cách mạng cho thị trường xuất bản và kinh doanh sách số, đồng thời có phương thức để khai thác nguồn tài nguyên số hóa tại các thư viện, ngành Xuất bản của chúng ta có thể tụt hậu. Hiện nhiều đơn vị làm sách điện tử - như NXB Trẻ, đang đề xuất, bên cạnh chiến lược dành cho sách in, cần sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản và phát hành sách điện tử - các loại sách dựa trên nền tảng công nghệ như ebook, audiobook, VR book... - để có thể tập trung nguồn lực nhằm quản lý và phát triển sách điện tử trên không gian mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.