(HNM) - Xuân về! Mùa xuân mang theo những tia nắng ấm trải lên những cánh đồng bát ngát và những vườn bưởi, vườn cam trĩu cành, những trang trại lợn, gà đang sinh sôi, nảy nở... Xuân về náo nức, tươi vui, làng quê Hà Nội tràn dâng sức sống cùng phong trào xây dựng nông thôn mới.
1. Tết về với gia đình ông Nguyễn Xuân Đồng, thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn trong ăm ắp niềm vui. Vụ năm nay, vườn bưởi nhà ông chín vàng óng ả báo hiệu sự sung túc. Ông Đồng cho hay: Gia đình bắt đầu trồng bưởi Diễn từ năm 2010 trên diện tích 2ha với 810 gốc bưởi. Sau 3 năm, cây bắt đầu cho thu bói và sau 6 năm, cây nào cây ấy trĩu quả. Trước đây, khu đồi này chỉ toàn là sắn. “Tôi làm lụng cả năm, chăm sóc, cày cuốc vất vả cũng chỉ thu được vài tấn sắn, bán được 20-25 triệu đồng. Từ ngày chuyển sang trồng bưởi, mỗi héc ta thu 600 triệu đồng, cao gấp hàng trăm lần cây sắn”. Nhờ vậy, đời sống gia đình ngày một khấm khá, ai cũng phấn khởi.
Cùng ở xã Phú Cường, bà Nguyễn Thị Liên là tỷ phú trong lĩnh vực chăn nuôi lợn kết hợp nuôi giun quế. Hiện tổng đàn lợn của bà Liên có khoảng 500 con/lứa và 20 con lợn nái. Bà Liên hào hứng: “Chăn nuôi lợn kết hợp với giun quế vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường, vừa có nguồn thức ăn sạch và bổ dưỡng cho lợn. Quy trình chăn nuôi đơn giản, chi phí thức ăn giảm, lợn ít bị dịch bệnh, thịt thơm, ngon. Đó chính là lý do thịt lợn nuôi giun quế được săn đón trên thị trường với giá hấp dẫn”.
Rời Sóc Sơn, tới vùng non cao Ba Vì, không khó để gặp những gương nông dân năng động, làm giàu từ đồng ruộng. Anh Nguyễn Duy Thế, thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, là một trong những tỷ phú trẻ nhờ nghề trồng cây cảnh. Tết này, anh Thế có hơn 3.000 gốc bạch mai. Anh nói: Trước đây, gia đình tôi chỉ quen trồng cây chè, cây sắn. Nhận thấy xã Tản Lĩnh có một số gia đình còn giữ được những gốc mai trắng cổ thụ, bông to, cánh kép rất đẹp nhưng chưa phải là hàng hóa, tôi sưu tầm, mua lại những gốc cây mai cổ về nhân giống ra rồi uốn, tỉa thành cây thế nghệ thuật. Những ngày giáp Tết, đường thôn lại nhộn nhịp, khách từ các vùng miền về mua sắm cây cảnh mang lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
2. Sau thành công lớn của chương trình dồn điền đổi thửa, ngoại thành Hà Nội đang sôi động với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Tại huyện Phúc Thọ, xuân này, những cánh đồng hoa, rau màu... trải thêm dài ngút ngát. Huyện Phúc Thọ đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể nhiều sản phẩm như rau muống tiến vua, rau Thanh Đa, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam... và có nhiều giải pháp giúp người dân tiêu thụ sản phẩm. Nhiều xã đã mở rộng nuôi lợn sinh học, đồng thời liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ nên đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong khí thế tươi vui bên thềm xuân mới, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú khẳng định: Huyện đã quyết định đúng đắn khi có cơ chế, chính sách riêng để thúc đẩy nông nghiệp như hỗ trợ người dân một phần kinh phí mua máy móc cơ giới hóa. đến nay, nông dân sắm thêm được 25 máy gặt đập liên hợp. Công việc nhà nông nhàn nhã hơn đã tạo điều kiện cho bà con chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thu nhập cao hơn.
Đối với huyện Sóc Sơn, năm cũ Bính Thân là năm huyện gặt hái được khá nhiều thành công khi xây dựng được 35 vùng lúa chất lượng cao với diện tích hơn 12.000ha, 250ha bưởi, trên 200ha chè an toàn, 148ha hoa nhài... Sóc Sơn đã xây dựng thành công nhãn hiệu hàng nông sản: Rau hữu cơ, bưởi sạch và gạo nếp cái hoa vàng... Huyện cũng đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm gồm: Rau, hoa, gà đồi, thịt lợn, dưa lê và nấm.
3. Cùng với những nỗ lực vươn lên của người nông dân cần cù, chịu khó là sự tiếp sức của thành phố, đặc biệt từ khi Hà Nội bắt tay vào thực hiện Chương trình 02-CT/TU ngày 29-8-2011 của Thành ủy. Sau hơn 6 năm triển khai, đã thấy rõ sự chuyển mình vượt bậc ở các vùng nông thôn ngoại thành cả về cảnh quan và đời sống dân sinh.
Trở lại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì sau 3 năm địa phương "cán đích" phong trào xây dựng nông thôn mới, vùng đất chiêm trũng nơi rốn nước ngày nào giờ đã thực sự "thay da, đổi thịt". Những con đường mới rộng thênh thang cùng hàng cây xanh đâm chồi, nảy lộc. Ông Nguyễn Đình Kiểm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Nguyệt Áng tự hào: Địa phương xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã rất phấn khởi.
Phong trào gì bà con cũng sẵn sàng tham gia bởi họ đã nhìn thấy hiệu quả mà chương trình nông thôn mới mang lại. Còn cụ Nguyễn Danh Truy, 80 tuổi, ở thôn Nguyệt Áng, kể: Tham gia xây dựng nông thôn mới, đại gia đình tôi đã 2 lần ủng hộ địa phương, trong đó đợt 1 ủng hộ 80 triệu đồng xây dựng đường làng ngõ xóm; đợt 2 ủng hộ làm một con đường mới từ làng xuống lăng thờ Thành hoàng làng trị giá 100 triệu đồng.
Những ngày cuối cùng của năm cũ Bính Thân, theo các thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Hà Nội đi “chấm điểm” nông thôn mới ở 18 huyện, thị xã, chúng tôi cảm nhận được nhiều hơn những đổi thay to lớn của khu vực ngoại thành. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết: Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện chưa có xã nào đạt chuẩn thì đến cuối năm 2016 đã có 15/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 12 xã đã được công nhận). Đón Xuân này, bà con phấn khởi bởi đời sống của người dân đã ổn định, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Còn huyện Phúc Thọ, từ một huyện thuần nông lại nằm trong vùng phân chậm lũ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đến hết năm 2016, có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã còn lại tiếp tục phấn đấu hoàn thành trong năm 2017.
4. Bức tranh nông thôn mới sáng, rõ hơn với nhiều địa phương. Là người gắn bó nhiều năm với phong trào xây dựng nông thôn mới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương nhận định: 201/386 xã được công nhận nông thôn mới, 2/18 huyện, thị xã đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 54 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 là kết quả hết sức ấn tượng trong phong trào xây dựng nông thôn mới Thủ đô. Sau 6 năm Hà Nội triển khai xây dựng nông thôn mới, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và cả các quận nội thành đã chung sức tạo nên nguồn lực không nhỏ. Và đặc biệt là hàng nghìn mét vuông đất thổ cư được người dân hiến tặng cho Nhà nước để mở rộng các tuyến đường, xây trường học, nhà văn hóa chưa kể hàng nghìn tỷ đồng nhân dân, doanh nghiệp đóng góp... để mang đến sự đổi thay làm sáng bừng lên bức tranh nông thôn ở các huyện ngoại thành.
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, không chỉ người ở quê mà cả những người con của quê hương trên khắp mọi miền đất nước trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình đều cảm thấy ấm lòng: Vẫn miền quê Xứ Đoài, vẫn miền đồi gò Sóc Sơn hay vùng chiêm trũng Phú Xuyên, Ứng Hòa... nhưng thênh thang, rộng rãi, đẹp hơn thật nhiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.