(HNM) - Trong 3 ngày Tết, Hà Nội bừng lên những tia nắng ấm áp sau những ngày giá rét kỷ lục. Thời tiết như giao hòa cùng lòng người đã giúp cho mọi hoạt động vui Xuân, đón Tết của nhân dân ngoại thành thêm phần tươi vui...
Một lễ hội Xuân. Ảnh: Khánh Huy |
Sáng mùng 1, sau nghi lễ thờ cúng tại gia đình, họ tộc, nhiều người đã tranh thủ thời tiết đẹp đi thăm người thân và bạn bè. Ở đâu cũng bắt gặp người nông dân chúc nhau năm mới mùa màng bội thu, chăn nuôi không dịch bệnh và được giá; người kinh doanh đón nhận lời chúc tốt tài, sai lộc, thịnh vượng, an khang... Bước sang ngày mùng 2, mùng 3, người dân bắt đầu tập trung đông đến các điểm vui chơi: Kéo co, chọi gà, chơi đu và các lễ hội truyền thống...
Trên rẻo cao huyện Ba Vì, tuy đời sống nhân dân còn khó khăn, nhưng mỗi con ngõ, triền núi cũng vào mùa hoa rừng đủ làm cho sức xuân ở đây mang vị riêng. Tại xã Ba Vì - nơi có đến 90% đồng bào là người dân tộc Dao sinh sống cũng không ngoại lệ. Ngày Tết, nhà bà Lý Thị Nga, thôn Hợp Sơn làm mâm cơm cúng tổ tiên có thủ lợn và bánh giày. "Đây là tục lệ truyền thống mời tổ tiên về ăn Tết và phù hộ độ trì cho toàn thể gia đình có nhiều sức khỏe, làm ăn phát đạt hơn" - bà Nga giải thích. Sau thờ cúng, gia đình và những người được mời đến ngồi quây quần, sum vầy bên mâm cỗ Tết.
Sớm tinh mơ ngày mùng 3 Tết, có mặt tại thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng - ngôi làng nhỏ nằm ven hữu ngạn Sông Hồng - đã thấy tưng bừng của cờ hội và cờ Tổ quốc. Nhân dân làng Bá Dương Nội mở hội truyền thống rước bánh giày để tưởng nhớ công ơn của vị Thái phó Thiếu Khanh thời nhà Lê, thế kỷ XV có công giúp dân mở làng, lập ấp. Để chuẩn bị cho lễ hội, hàng trăm người khỏe mạnh được huy động làm bánh giày và các hoạt động tế, rước lễ. Người tham gia hội đông tới hàng nghìn, tiếng cười nói râm ran, rộn rã của đoàn rước kéo dài cả vài trăm mét dọc triền đê Sông Hồng. Vui nhất là những cô bé, cậu bé xúng xính quần áo mới chạy quanh để xem rước và được ông bà kể cho nghe về tục làm bánh giày của làng… Buổi chiều, sau khi công việc rước bánh xong xuôi, lộc bánh giày lễ thánh được chia cho các gia đình trong thôn thì cũng là lúc xã Hồng Hà khai mạc hội vật mùa xuân truyền thống, thu hút đông đảo người dân trong vùng đến cổ vũ.
Rời Đan Phượng, men theo đê Sông Hồng đến các xã vùng bãi của huyện Phúc Thọ, đâu đâu cũng thấy cờ, hoa treo dọc bên đường mừng Đảng, mừng Xuân. Đường sá trong những ngày Tết phong quang, sạch đẹp, khiến nhịp sống nơi thôn quê như chậm lại. Tại đình làng thôn Võng Ngoại, xã Võng Xuyên rất đông người lui tới làm lễ đầu năm và lưu lại những bức hình quý giá bên ngôi đình cổ. Chị Phượng - một người con của làng đi làm ăn xa - Tết này đưa gia đình về quê đón xuân, xúc động khi thấy quê mình ngày một đổi thay. Võng Xuyên đã trở thành xã nông thôn mới: Những ngôi nhà mới mọc lên ngày một nhiều, đường sá được mở rộng thênh thang, bê tông sạch sẽ. Vậy nhưng, thôn quê nơi đây vẫn giữ được những nét truyền thống: Ngôi đình cổ, những con đầm lớn chạy dài giữa làng nơi tuổi thơ chị vẫn thường vui đùa với chúng bạn... Chỉ vậy thôi, đã đủ để chị yêu Tết quê biết chừng nào.
Xuân mới đã về mang theo niềm tin, kỳ vọng đối với bao người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Từ vùng núi cao Ba Vì đến các xã vùng trũng của huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, các huyện Mê Linh, Sóc Sơn... Những ngày Tết là những ngày xuân tươi vui nhất, được nghỉ ngơi, được vui chơi thoải mái để rồi ngày mai, ngày kia, họ lại bắt tay vào vụ sản xuất mới với những ruộng lúa trĩu bông, những cánh đồng, cánh bãi xanh mơn mởn bởi rau, hoa và trái ngọt. Những con em nông dân lại chia tay với người thân, nơi "chôn nhau cắt rốn" trở về với công việc của mình ở mọi miền Tổ quốc và mang theo tình yêu quê hương tha thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.