Hiền này, con dắt em sang nhà bác Hồng mà học bài, nhà mình hôm nay làm nơi tiếp khách cho bác Triệu. Chắc mọi người đến hỏi thăm đông lắm. Thật khổ cho bác gái, ốm yếu suốt lại mấy đứa con ăn học, lo sao cho nổi!
Tôi vâng lời mẹ, dắt tay em sang nhà bác nhưng rồi lại quay về vì tôi muốn ở bên cạnh để động viên, an ủi Hạnh, bạn học của tôi và là con gái bác Triệu.
Bác Triệu là thương binh và làm nghề chữa xe máy, xe đạp. Tuy gia đình kiếm sống vất vả song vẫn chưa lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nhưng từ ngày bác gái bị tai biến, bác sinh chán nản và suốt ngày làm bạn với rượu. Nhìn thấy bố lúc nào cũng lâng lâng, Hạnh buồn lắm. Có lúc, bạn tâm sự với tôi: "Tớ chỉ ước sao bố tớ bỏ rượu, mẹ tớ đỡ bệnh cho gia đình đỡ khổ. Chứ bố tớ bây giờ uống rượu suốt mà chẳng có gì để ăn. Tớ chỉ lo một lúc nào đó bố tớ ốm yếu và có mệnh hệ gì thì anh em tớ biết làm sao...". Thế rồi nỗi
lo ấy đã thành sự thật. Chiều qua, khi sang đường mua cút rượu, bác Triệu đã bị xe máy quệt phải. Bác bị ngã đập đầu vào vỉa hè. Mọi người kịp thời đưa đi bệnh viện, nhưng mọi việc đã quá muộn.
Khi nghe tin, Hạnh như chết lịm, đứng im để chiếc cặp tự rơi. Tôi đỡ Hạnh và an ủi bạn nhưng chẳng ích gì. Hạnh khóc: "Bố ơi, bố luôn bảo rượu ngon, rượu tuyệt vời, còn con thì ngược lại, cái thứ nước mà bố vẫn sai con đi mua bây giờ nó không chỉ là nước cay, mà là nước đắng…".
Tôi chỉ biết ôm Hạnh thật chặt để bạn ấy được an ủi phần nào.
Qua câu chuyện của gia đình Hạnh, tôi chỉ muốn nói một điều: Rượu không có tội, nhưng xin người lớn hãy sử dụng nó đúng lúc, đúng chỗ và sử dụng vừa phải. Hãy biết điểm dừng để đừng bao giờ có những "giọt đắng" như gia đình bạn tôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.