Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rước họa vào thân... vì làm đẹp

Thu Trang| 07/01/2019 07:06

(HNM) - Giáp Tết là thời điểm nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của nhiều chị em gia tăng. Điều đáng bàn là không ít người đã rơi vào cảnh rước họa vào thân do sự thiếu hiểu biết, đặt niềm tin vào những địa chỉ làm đẹp trái phép.

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) xử lý biến chứng vòng ba cho bệnh nhân N.T.T. (25 tuổi ở Hà Nội).


Hậu quả khôn lường...

Sau 2 tháng bơm silicon để cải thiện vòng ba, chị N.T.T. (25 tuổi ở Hà Nội) bị nhiễm trùng gây viêm tấy, sưng đỏ phải vào Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) xử lý biến chứng. Theo chị T., do luôn cảm thấy mất tự tin vì vòng ba khiêm tốn nên chị đã nhờ một người không có chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ đến nhà tiêm silicon dù không rõ nguồn gốc loại chất này. Sau khi tiêm, dù vòng ba được nâng cấp nhưng lại có biểu hiện sưng tấy khiến chị T. không thể ngồi...

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) cho biết, từng có rất nhiều cảnh báo về những biến chứng nguy hiểm do silicon công nghiệp được bơm trực tiếp vào cơ thể, thậm chí có thể gây liệt hoặc tử vong nhưng nhiều người vì mong muốn được đẹp hơn nên vẫn bất chấp. Với trường hợp của bệnh nhân T., các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật, vét hết silicon đã bơm vào cơ thể và phần viêm nhiễm. Sau phẫu thuật, vòng ba của bệnh nhân khó có thể phục hồi lại như ban đầu do bị biến dạng. Thậm chí, bệnh nhân còn phải làm phẫu thuật tạo hình vòng ba với chi phí tốn kém.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhập viện vì hậu quả của việc làm đẹp thiếu hiểu biết. Bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) chia sẻ, thời gian gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận và xử lý không ít trường hợp bị biến chứng do tiêm filler (chất làm đầy) tại các spa.

Đơn cử như trường hợp nữ bệnh nhân Đ.T.M. (23 tuổi ở Hà Nội) sau khi tiêm filler vào vùng mũi tại một spa trên địa bàn quận Đống Đa, mũi bệnh nhân bị sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ... Do chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, phá hủy tế bào nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

“Tiêm filler làm đẹp hiện được khá nhiều chị em lựa chọn để nâng mũi, tạo cằm vline, bơm vào má làm đầy mặt, giảm nếp nhăn... Trên thị trường cũng có nhiều loại filler với các mức giá khác nhau. Nếu tiêm các chất làm đầy không bảo đảm chất lượng, trôi nổi, không đúng kỹ thuật có thể gây bội nhiễm, nhiễm trùng vùng tiêm, thậm chí là hoại tử mô…”, bác sĩ Phạm Cao Kiêm nói.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tiếp nhận và “sửa chữa” cho không ít trường hợp bị biến dạng mặt, mũi, mắt, ngực… GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình của bệnh viện cho biết, càng vào thời điểm cuối năm, gần Tết, các chị em đổ xô đi tân trang vẻ ngoài càng nhiều. Đây cũng là thời điểm các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng của thẩm mỹ. Lý do là nhiều chị em quá tin vào những lời quảng cáo thổi phồng của các spa, cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người và hoạt động không phép để làm đẹp.

Trên thực tế có những nhân viên spa bình thường, không được đào tạo cũng thực hiện tiêm filler cho khách hàng. Hay có người chỉ được đào tạo qua các khóa ngắn hạn, thực hiện được vài ca cũng mở dịch vụ làm đẹp. Họ hoàn toàn không phải bác sĩ, không được đào tạo chính quy, do đó xảy ra tai biến là điều dễ hiểu.

Cần siết chặt quản lý...

Người dân nếu có nhu cầu làm đẹp cần đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc đến các cơ sở thẩm mỹ có biển hiệu, tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động.


Hiện trên địa bàn Hà Nội có trên 60 cơ sở làm đẹp được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép, quản lý nhưng thực tế, số lượng các spa, viện thẩm mỹ lên đến hàng trăm và đang thực hiện đủ các loại hình dịch vụ làm đẹp. Ngay cả các cửa hàng cắt tóc, gội đầu cũng tiến hành tiêm truyền trắng da, tiêm giảm béo, xăm mí mắt, xăm môi, tiêm filler, nhấn mí…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, các spa vốn chỉ được phép chăm sóc da và các dịch vụ làm đẹp thông thường. Các spa này do phường, quận quản lý và chỉ cần đăng ký kinh doanh là được phép hoạt động. Còn với các cơ sở làm đẹp có bác sĩ làm việc và được Sở Y tế cấp phép mới được thực hiện dịch vụ có xâm lấn và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép.

Thậm chí, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép cũng chỉ được làm các tiểu phẫu (như cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền...) và không được làm các phẫu thuật lớn như: Căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực. Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện.

“Tôi không hiểu sao người dân vẫn có thể mù quáng đi vào những nơi cắt tóc, gội đầu để thực hiện thủ thuật nhấn mí, rất không bảo đảm và mất an toàn. Người dân nếu có nhu cầu làm đẹp cần đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc đến các cơ sở thẩm mỹ có biển hiệu, tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ”, ông Nguyễn Việt Cường khuyến cáo.

Bác sĩ Phạm Cao Kiêm cho rằng, bên cạnh việc khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ, tránh tin theo quảng cáo và đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện bất kỳ phương pháp làm đẹp nào, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc quyết liệt, siết chặt quản lý và xử lý nghiêm đối với những cơ sở không có giấy phép, không đăng ký nhưng vẫn tiến hành thực hiện những thủ thuật làm đẹp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rước họa vào thân... vì làm đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.