Các sự tích, truyền thuyết dân gian lâu đời và quen thuộc của Việt Nam được kể trong vở kịch “Ngày xưa” bằng thẩm mỹ đương đại thế giới.
Tác phẩm sân khấu hợp tác Việt - Pháp thú vị này sẽ được công diễn vào ngày 21 và 22-9 tới đây, tại Trường Pháp quốc tế Alexandre Yersin (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thủ đô Hà Nội).
Sự hòa trộn thú vị, hấp dẫn
Vở kịch “Ngày xưa” do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH thực hiện, với sự tham gia sáng tạo của cả nghệ sĩ Pháp và nghệ sĩ Việt Nam.
Tác phẩm lấy cảm hứng chủ yếu từ các sự tích, truyền thuyết dân gian là “Thần trụ trời” - sự tích về cội nguồn của thế gian, “Con rồng cháu tiên” - câu chuyện về nguồn gốc người Việt và “Sự tích trầu cau” - minh họa mối liên kết căn bản giữa con người và thiên nhiên.
Ba câu chuyện này vẫn được lưu truyền đến nay và có điểm chung nổi bật là sự kết hợp hài hòa giữa trí tưởng tượng, sự siêu nhiên và chủ nghĩa hiện thực. Chúng được kết hợp lại tạo nên một vở diễn đầy màu sắc, trong đó mỗi câu chuyện lần lượt mở ra và cùng nhau cộng hưởng.
Vở diễn “Ngày xưa” được dàn dựng bởi đạo diễn người Pháp Quentin Delorme. Tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu tại trường kịch nghệ nổi tiếng của Pháp Cours Florent năm 2006, Quentin Delorme là đạo diễn, diễn viên kiêm giáo viên kịch.
Từ năm 2003 đến 2010, ông là giám đốc của một đoàn kịch nghệ, tham gia thành lập và quản lý trung tâm văn hóa “Le Sans Plomb” ở Ivry sur Seine (Pháp) và làm việc tại nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Maroc, Italia, Bỉ. Năm 2010, ông cùng nghệ sĩ Marianne Seguin thành lập Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH tại Việt Nam, tham gia thực hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.
Về ý tưởng thực hiện “Ngày xưa”, đạo diễn Quentin Delorme chia sẻ: “Tôi khao khát đưa khán giả trở về với cội nguồn của một nền văn hóa phong phú, mang tính cộng đồng và nhân văn. Tái hiện ba sự tích kinh điển, mang tính nền tảng của văn hóa Việt Nam, tôi cũng muốn nêu bật những điểm tương đồng vô cùng rõ nét giữa nền văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác trên thế giới”.
“Ngày xưa” là sự kết hợp đa dạng các loại hình nghệ thuật như kịch nói, âm nhạc, trình chiếu video, truyện tranh, nghệ thuật múa rối… Trong đó, nhạc sĩ Hứa Thanh Tú đảm nhiệm vai trò soạn nhạc, người kể chuyện, diễn viên.
Nữ nhạc sĩ chia sẻ đã sử dụng nhiều thể loại như hiphop, âm nhạc cổ điển, âm nhạc truyền thống, nhịp điệu để đồng hành với từng diễn biến, tình tiết trong vở kịch. Vở diễn còn có đội ngũ sản xuất hoạt hình, gồm họa sĩ minh họa Đăng Trúc, nghệ sĩ diễn hoạt Ngọc Minh và Vương Ngọc Anh.
Tham gia diễn xuất là các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế đa tài, như nhạc sĩ, diễn viên Étienne Rousseaux; diễn viên Marianne Seguin; biên đạo, diễn viên Nguyễn Nhật Bích; diễn viên Hayley Nguyễn Ngọc Mai; diễn viên Hong MA…
Sân khấu được thiết kế tối giản, đạo cụ biểu diễn mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam, như tre, nứa, mặt nạ, cồng…
Kịch đại chúng cho mọi người
Thôi thúc bởi ý tưởng về một loại hình kịch đại chúng mang đến cơ hội tiếp cận văn hóa và giáo dục cho tất cả mọi người, đạo diễn Quentin Delorme mong muốn đưa khán giả vào một cuộc du hành ảo diệu, kỳ thú thông qua vở diễn “Ngày xưa”. Ê kíp thực hiện hướng tới dàn dựng tác phẩm kịch phù hợp với mọi lứa tuổi, quốc gia, vì thế, ở đây, khán giả được trải nghiệm những hình thức biểu diễn đa dạng, cuốn hút, mang tính toàn cầu.
Đạo diễn cho hay, ở câu chuyện “Thần trụ trời”, ê kíp kết hợp biểu diễn và trình chiếu video hoạt hình. Trong câu chuyện “Con rồng cháu tiên”, ê kíp sử dụng con rối và nghệ thuật múa rối, còn trong “Sự tích trầu cau”, các nghệ sĩ chọn thể hiện bằng các điểm đặc trưng của bi kịch Hy Lạp…
Bên cạnh đó, vở diễn “Ngày xưa” quy tụ các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp nhằm kết hợp hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa, các xu hướng thẩm mỹ, từ đó người xem có thể thưởng thức tác phẩm qua hai lăng kính văn hóa.
Lý giải thêm về việc thực hiện một vở diễn từ các sự tích, truyền thuyết dân gian Việt Nam, đạo diễn Quentin Delorme chia sẻ, xã hội hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là xu hướng cá nhân và sự xâm lấn của công nghệ. Việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật dựa trên các sự tích, truyền thuyết rất cần thiết, bởi đây chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nhắc nhở mọi người về nguồn gốc và truyền thống chung, về sự giàu có phi vật thể của mỗi nền văn hóa.
Có thể nói sự tích, truyền thuyết là nền tảng văn hóa, khai mở những giá trị mà các thành viên trong xã hội cùng nhau sẻ chia và làm sống lại trí tưởng tượng của cả cộng đồng. Sự tích còn mang tính phổ quát bởi chúng đề cập đến những câu hỏi lớn của đời người, như con người đến từ đâu, sinh ra thế nào, sự truyền thừa của các nghi lễ tổ tiên, mối liên hệ giữa tự nhiên và con người, con người khi đối mặt với cái chết và các mối quan hệ tình cảm…
Giống như nhiều tác phẩm trước đây của Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH, được dẫn dắt bởi đội ngũ là những nghệ sĩ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, “Ngày xưa” được kỳ vọng tiếp tục đóng góp cho hành trình hướng đến sự phong phú, hấp dẫn và hào sảng, theo truyền thống của sân khấu đại chúng đích thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.