(HNMCT) - Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) được xem như “lá phổi của miền Tây” bởi sở hữu khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng phía Tây sông Hậu. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Vào mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư mang một vẻ đẹp trác tuyệt, kỳ ảo đầy thơ mộng. Giữa khoảng không xanh ngắt của những hàng tràm nối tiếp những cánh đồng sen thơm ngát, du khách như lạc vào thế giới hoàn toàn khác...
Lạc giữa khoảng xanh
Sau khi trải qua đoạn đường dài 64km từ thành phố Long Xuyên, du khách sẽ xuống tắc ráng (xuồng máy) để bắt đầu chuyến tham quan rừng tràm Trà Sư. Ngay từ bìa rừng, du khách được chào đón trong hương sen thơm ngát của những đầm sen rộng lớn, được tận mắt ngắm những bông sen hồng tươi cánh mỏng mọc xen kẽ dưới những hàng tràm xanh ngút ngàn.
Trôi giữa dòng nước biếc xanh phủ kín bởi những cánh bèo, phía trên, những tán tràm ngả vào nhau, đan cài như mái che, đưa du khách lạc vào không gian xanh mát thanh bình.
Thảng hoặc đâu đó, tiếng lũ vạc gọi bầy, tiếng vỗ cánh hối hả của đàn cò hay tiếng vo ve của đàn ong mật làm tổ... tạo nên những âm thanh vui tai, khiến khu rừng thêm sống động.
Xuyên qua con đường trên mặt nước kéo dài khoảng 3km, du khách sẽ đến với Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Tại đây, du khách được chuyển sang xuồng chèo tay để di chuyển sâu hơn vào rừng tràm.
Không còn bất kỳ tiếng động cơ hay âm thanh ồn ào khác, những chiếc xuồng nan vừa đủ chỗ cho 4 người nhẹ nhàng trôi theo dòng nước, len lỏi giữa những con rạch nhỏ, qua những tán tràm rủ ngang đầu người. Không gian tĩnh mịch, hoang vu, chỉ có tiếng bìm bịp kêu, đôi khi dăm cánh cò chao liệng ngay trước mắt du khách. Chưa bao giờ con người và thiên nhiên gần gũi nhau đến vậy.
Đi trong hương tràm tỏa dịu, người ta có thể dễ dàng thấy cò mẹ chăm con trong tổ, gà lôi Ấn Độ chạy trên cánh bèo tây hay từng đàn cá bơi tung tăng sát mạn thuyền... Cả không gian và thời gian như lắng đọng trong bức tranh thiên nhiên kỳ thú.
Sau khi di chuyển qua hơn 800m bằng xuồng nan, du khách sẽ tiếp tục lên bờ, đi sâu vào trong để tới “cầu tình yêu” dài khoảng 300m, được làm hoàn toàn bằng gỗ tràm, chạy giữa những thân tràm thẳng tắp. Tiếp đó, du khách sẽ lên đài quan sát cao 25m để có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng Trà Sư.
Khi hoàng hôn buông xuống là lúc đàn cò tìm về tổ. Hàng nghìn cánh cò chao liệng, đậu trên thảm tràm xanh như những dải lụa trắng vắt trên cây. Nếu dùng kính viễn vọng, du khách có thể nhìn xa tới 25km, trông qua núi Cấm với tượng Phật Di Lặc trên sườn núi hay những bản làng của người Khmer, Chăm, Kinh sinh sống cùng nhau...
Không chỉ là “lá phổi xanh” của miền Tây Nam Bộ, rừng tràm Trà Sư còn là “ngôi nhà” của nhiều loài chim, thú... quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như giang sen, điêng điểng, cò Ấn Độ, cò lạo...
Theo thống kê, nơi đây hiện có 11 loài thú, 25 loài bò sát, 23 loài cá. Ngoài ra, đây còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 78 loài thuốc...
Nhờ sự đa dạng, phong phú về hệ động, thực vật như vậy nên rừng tràm Trà Sư được đánh giá có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2003, An Giang đã thành lập Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái và phục vụ công tác nghiên cứu, bảo vệ môi trường. Ngày nay, rừng tràm Trà Sư đang trở thành điểm đến thu hút du khách khi đến với An Giang.
Bảo vệ và phát triển bền vững môi trường
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng tràm Trà Sư trong hệ thống sinh thái, cảnh quan môi trường, năm 2016, tỉnh An Giang đã lập Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư có tổng diện tích là 1.050ha, gồm các phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, có diện tích 441ha, Phân khu phục hồi sinh thái: 432,3ha và Phân khu dịch vụ hành chính: 176,7ha.
Cùng với các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư như: Dự án trồng rừng ở Phân khu phục hồi sinh thái và dịch vụ hành chính; đề tài nghiên cứu khoa học về điều tra danh mục thực vật rừng; thành lập Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và du lịch sinh thái..., An Giang còn đề ra các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế các ấp giáp ranh, đặc biệt là tạo cơ chế để người dân tộc thiểu số được tham gia vào chương trình bảo tồn và phát triển Khu bảo vệ cảnh quan như: Bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển và sử dụng rừng... nhằm huy động sự tham gia của người dân bản địa.
Chị Đoàn Thị Thu, 31 tuổi, ở tổ 1 ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, An Giang) làm nghề chèo đò tại Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư cho biết: “Là người dân địa phương nên tôi được chính quyền tạo công ăn việc làm ổn định tại đây. Chúng tôi được hỗ trợ đào tạo kỹ năng đón tiếp khách du lịch, được tập huấn các kỹ năng bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách cũng như công tác phòng cháy chữa cháy để bảo vệ rừng. Bên cạnh việc chèo đò đưa khách tham quan, tôi còn nuôi ong lấy mật kèm theo các sản phẩm như: Dầu tràm, khăn rằn do đồng bào Chăm dệt để bán cho du khách. So với việc nội trợ trước đây, nghề này cho tôi thu nhập ổn định hơn rất nhiều”.
Nhìn nhận về những tiềm năng nổi trội để phát triển du lịch của rừng tràm Trà Sư, bà Phan Thị Thu Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) đánh giá, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mang nét tiêu biểu của vùng đất ngập nước phía tây sông Hậu, rừng tràm Trà Sư còn rất nhiều cơ hội để phát triển du lịch.
Nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm đến tiêu biểu của du lịch An Giang nếu biết huy động các nhà đầu tư cũng như liên kết tour, tuyến với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Đây sẽ là sản phẩm mới kết hợp với các tour truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm để du khách có thêm lựa chọn.
Tuy nhiên, An Giang cần lưu ý tới việc bảo vệ những giá trị cốt lõi và sự đa dạng sinh học của rừng tràm Trà Sư để có thể phát triển du lịch sinh thái cộng đồng một cách bền vững...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.