(HNMCT) - Không chỉ xuất hiện rộn ràng và tưng bừng trong những dịp hội hè, lễ tết, múa rồng đã và đang trở thành một điểm nhấn ấn tượng trong việc gắn hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật ngoài trời với phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội.
Trình diễn múa rồng - sức hút mạnh mẽ
Nhắc đến các hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật ngoài trời ấn tượng năm 2019, không thể không kể đến Liên hoan Múa rồng Hà Nội, một trong những hoạt động trọng điểm dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019). Có thể cảm nhận rõ sức hút mạnh mẽ của nghệ thuật trình diễn múa rồng khi trải nghiệm hoạt động biểu diễn của Liên hoan tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (Hà Nội), chứng kiến hàng vạn người dân và du khách cùng chen chân, đứng ngồi vòng trong vòng ngoài, háo hức xem các màn trình diễn sôi nổi và đặc sắc của hàng chục đội múa rồng các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố từ sáng, xuyên trưa tới đầu giờ chiều.
Không giấu nổi niềm hân hoan khi được xem một chương trình biểu diễn ngoài trời hấp dẫn như vậy, ông Cao Đức Thắng - một du khách chia sẻ: “Tôi ở Nghệ An ra Hà Nội chơi, được bạn rủ ra Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận xem múa rồng. Thực sự rất đẹp và quá tuyệt vời, đặc biệt là nhịp trống mạnh mẽ và những màn trình diễn múa rồng đầy uy lực”.
Hơn cả một chương trình lễ hội mang tính chất kỷ niệm - chào mừng, sức hút từ nghệ thuật múa rồng đã gợi mở nhiều ý tưởng cho những người trong cuộc. Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Dương Minh Châu cho biết: “Năm 2019 là năm thứ 5 Liên hoan Múa rồng thành phố Hà Nội được Trung tâm phối hợp với một số đơn vị tổ chức, đưa Liên hoan này trở thành một sự kiện thường niên, tạo thêm một điểm chấm phá trong bức tranh biểu diễn văn hóa - nghệ thuật chung của Thủ đô. Với những mẫu rồng được thiết kế đẹp mắt, kết hợp nghệ thuật biên đạo giàu tính sáng tạo, các tiết mục múa rồng được trình diễn với chất lượng cao, phong phú, thể hiện sự đầu tư công phu, giàu ý tưởng trong dàn dựng. Thực tiễn tổ chức cho thấy các tiết mục đã tạo cảm xúc rất lớn đối với người xem, qua đó chúng tôi kỳ vọng sự kiện này sẽ góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển”.
Kỳ vọng đưa Liên hoan Múa rồng Hà Nội trở thành một sản phẩm du lịch giá trị, đậm chất văn hóa truyền thống là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng để hiện thực hóa nhiệm vụ này thành giá trị của hoạt động dịch vụ du lịch - có thể "cân đong đo đếm" được, rõ ràng vẫn còn rất nhiều đầu việc phải thực hiện.
Bà Nguyễn Hồng Dương - một người làm công tác du lịch lâu năm, hiện là Điều hành tour của Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên du lịch SMI - VN tại Hà Nội (số 30 - 32 Hòa Mã, Hà Nội) phân tích: “Để Liên hoan Múa rồng Hà Nội thực sự trở thành một sản phẩm du lịch, hoạt động này cần được xác định rõ thời gian, địa điểm, kế hoạch tổ chức chắc chắn từ trước 1 năm, hoặc tối thiểu là 6 tháng để các công ty du lịch sớm xây dựng các tour cụ thể. Nếu có thể đưa hoạt động này vào danh mục các sự kiện văn hóa - nghệ thuật truyền thống hằng năm của Thủ đô thì công tác thúc đẩy, mời gọi khách du lịch sẽ càng dễ dàng hơn. Đặc biệt, làm được điều này, hoạt động du lịch Hà Nội sẽ càng thêm phong phú và thực sự có sức hút rất lớn đối với du khách”.
Trong nhịp trống xuân
Nói về sức hút của múa rồng trong các dịp hội hè lễ tết, trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Dương Minh Châu bộc bạch: “Sức hút của nghệ thuật múa rồng là rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã có ý tưởng lấy một vài chương trình tốt nhất của các quận, huyện trong Liên hoan năm 2019, tổ chức trình diễn gắn với lễ hội truyền thống của các địa phương trong dịp Tết đến xuân về, coi đây là một hoạt động làm phong phú thêm công tác quảng bá du lịch của Hà Nội”.
Ý tưởng của ông Dương Minh Châu hoàn toàn khả thi và nhận được sự ủng hộ của nhiều đại diện đội múa rồng. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm Lê Bình Minh - đại diện đội múa rồng vô địch Liên hoan Múa rồng Hà Nội năm 2019 chia sẻ: “Để có một chương trình múa rồng thực sự đặc sắc, 60 thành viên của đội múa rồng quận Bắc Từ Liêm đã phải luyện tập công phu suốt 2 tháng, kết hợp giữa nghệ thuật biên đạo múa với nhiều động tác võ thuật rất khó. Nhằm phát huy hiệu quả của bài biểu diễn đặc sắc này, chúng tôi sẽ tận dụng các tiết mục múa rồng cho các hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn quận. Đặc biệt, trong dịp Tết này, sự liên kết giữa các đội múa rồng của quận với các lễ hội truyền thống như lễ hội bơi Đăm truyền thống ở Tây Tựu, lễ hội đình Chèm ở Thụy Phương, lễ hội đình làng Thượng Cát... chắc chắn sẽ càng làm tăng sự hấp dẫn của các hoạt động lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân Thủ đô”.
Còn ở quận Hoàng Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao Hoàng Nguyên cho biết: “Múa rồng là một hoạt động biểu diễn văn hóa quen thuộc, thường xuyên được trình diễn trong các sự kiện văn hóa - thể thao của quận, thậm chí giải múa rồng cấp quận còn được tổ chức một vài năm trên địa bàn. Ở quận Hoàng Mai, dịp Tết có nhiều lễ hội truyền thống có sức hút rất lớn như hội vật Mai Động, lễ hội vật cầu truyền thống đình Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam..., nếu có thể kết hợp biểu diễn múa rồng, không khí hội vui sẽ càng thêm lan tỏa”.
Không chỉ được chú trọng đầu tư ở các quận, múa rồng cũng rất được quan tâm phát triển ở nhiều huyện trên địa bàn Thủ đô. Ông Lê Mạnh Hùng - huấn luyện viên võ thuật và lân sư rồng huyện Đan Phượng chia sẻ: “Bản thân tôi là một võ sư chuyển sang luyện múa rồng. Đội múa rồng của Đan Phượng thành lập từ năm 2005, nay gồm 40 thành viên, đa phần là dân võ, cùng dựng nên bài biểu diễn song rồng đặc sắc, với hình ảnh 2 con rồng dựa lưng nhau như 2 anh em cùng đoàn kết, tiến bước. Với việc lồng ghép các động tác võ thuật tinh hoa, trong đó có những động tác rất khó thực hiện, phải đánh trong tư thế nằm và quỳ đòi hỏi có cơ bụng rắn chắc, thực hiện một cách đồng bộ, Đan Phượng mang đến hình ảnh những chú rồng khỏe mạnh, bay nhảy rất tốt. Trung thu năm 2019, chúng tôi đã thực hiện hơn 100 màn trình diễn. Tết này, đội chúng tôi lại cùng tập hợp, và dự kiến trong những ngày đầu xuân năm mới, sẽ kín lịch biểu diễn”.
Một thành viên của đội rồng huyện Đông Anh, cô gái trẻ Trần Thị Nhường chia sẻ: “Đội rồng Đông Anh gồm 36 thành viên, vào dịp Tết chúng tôi lại có cơ hội tham gia biểu diễn tại lễ hội Cổ Loa. Trong bài biểu diễn, xen kẽ các động tác múa rồng, chúng tôi thường cố gắng thể hiện vẻ cổ kính của Loa Thành, xếp hình con kê, mặc trang phục liên quan đến sự tích vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa...”.
Có thể thấy, múa rồng đã và đang trở thành một hoạt động quen thuộc, khó có thể thiếu trong các dịp hội hè lễ tết. Xuân Canh Tý năm nay, nhịp điệu múa rồng hứa hẹn rộn ràng suốt mùa lễ hội, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân Thủ đô và yêu cầu quảng bá du lịch, mang lại niềm hứng khởi và tràn đầy hy vọng trong dịp đầu xuân mới qua hình ảnh rồng - biểu tượng cho sự phồn vinh, thịnh vượng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.