Văn hóa

Ngày xuân kể chuyện múa rồng

Vân Nam 19/02/2024 14:29

Tại Hà Nội, rất dễ bắt gặp những màn múa rồng điệu nghệ trên đường phố. Rồng xuất hiện trong hầu khắp những sự kiện trọng đại, các dịp lễ, hội lớn của Thủ đô...

static.kinhtedothi.vn-w960-images-upload-2022-09-17-_lan-su.jpg
Múa rồng xuất hiện trong hầu khắp các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn ở Thủ đô.

Mấy tháng nay, cứ tầm 4 giờ rưỡi chiều là khuôn viên tập luyện của đoàn võ thuật lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại rộn ràng tiếng trống. Hàng chục thanh niên của đoàn tề tựu về sân đình để cùng nhau luyện tập những bài múa rồng. Xuân về rồi, các thành viên trong đoàn ráo riết luyện tập để có những tiết mục biểu diễn đặc sắc phục vụ nhân dân.

Võ sư Bùi Viết Tưởng, Trưởng đoàn võ thuật lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường cho biết, múa rồng và múa lân đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa tiếng trống, tiếng thanh la lúc khoan thai, lúc dồn dập và bộ pháp của người biểu diễn. Nhạc điệu chính là chất xúc tác tạo nên thần thái và sự uy nghiêm của rồng, giúp buổi biểu diễn được thành công.

Với kinh nghiệm 15 năm biểu diễn, võ sư Bùi Viết Tưởng bảo rằng, bất kỳ ai cũng có thể tham gia múa rồng, nhưng để múa tốt và hay thì rất khó. Người trực tiếp tham gia múa rồng phải có sức bền, tâm trạng hào hứng, tập trung cho nhiệm vụ của từng vị trí. Mười người như một, tất cả phải phối hợp nhuần nhuyễn để làm sao toát lên được thần thái của rồng và nét đặc trưng của mỗi tiết mục. Ngoài ra, trong các vai diễn thì người múa đầu rồng phải có kỹ thuật múa điêu luyện bậc nhất, có sức khỏe thật tốt bởi đầu rồng thường nặng và khó điều khiển hơn các bộ phận khác.

Đất Thăng Long là cái nôi phát triển loại hình múa rồng. Với Hà Nội - “thành phố Rồng bay” thì hình tượng rồng lại càng gần gũi, thân thương. Lần giở lịch sử, múa rồng đã được cha ông ta đề cập tới từ rất sớm, và tới nay, loại hình này vẫn phổ biến ở nhiều vùng, đặc biệt là ở thị xã Sơn Tây hay làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì)… Nhiều làng vào dịp hội hè, lễ tết còn tổ chức thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc…, tạo không khí cho lễ hội truyền thống thêm vui tươi, gửi gắm ước mong về một năm mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Đặc biệt, tại Việt Nam, rồng gắn với nền nông nghiệp lúa nước và được coi là vật tổ gắn với truyền thuyết “con rồng, cháu tiên”.

Nói về những kỹ năng để có màn trình diễn múa rồng đặc sắc, võ sư Nguyễn Văn Thực - Chủ nhiệm Câu lạc bộ lân sư rồng Nga My Thượng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, nếu như múa lân yêu cầu nhiều về kỹ thuật thì múa rồng còn đòi hỏi thêm về sự đoàn kết, ăn ý giữa đội nhóm. Để có những màn biểu diễn nhuần nhuyễn thì các võ sinh phải có sự luyện tập thường xuyên để “bắt” ý nhau. Bởi vậy, võ sư Thực yêu cầu Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 3 lần/tuần. Các thanh, thiếu niên ở độ tuổi 14 - 25, nếu có nhu cầu đều có thể tham gia Câu lạc bộ miễn phí. Do là bộ môn khó nên ban đầu vào học, các võ sinh sẽ chỉ được tập kỹ năng cảm âm đơn giản, học đánh trống, sau mới bắt đầu tập kỹ thuật điều khiển rồng.

Theo võ sư Nguyễn Văn Thực, khi trình diễn múa rồng, có một số điều cấm kỵ bất thành văn cần được tuân thủ. Chẳng hạn, rồng ở Việt Nam là linh vật chủ về việc làm mưa, tạo nên “phong điều vũ thuận”, bởi vậy khi biểu diễn thì đoàn múa thường sẽ đi đầu, tiếp đến là kiệu cùng lễ vật, nghi trượng. Đến đình hoặc nơi thờ tự, rồng sẽ được cung kính rước vào hậu cung, rồi chủ lễ mới cho làm lễ tế để xin một năm mưa thuận gió hòa. Chưa hết, để có những điệu múa đẹp mắt, các võ sinh phải chuyên tâm khổ luyện. Sự biểu cảm của rồng cũng chính là sự chắp nối những cung bậc cảm xúc. Từ xúc cảm này mới diễn hóa ra các điệu múa như bàn long (chạy vòng tròn), chữ chi (hình chữ S), thủy ba (sóng nước dập dềnh), phong đằng (nhảy lên cao), phong chuyển (gió xoay), phi long (rồng bay)… Múa rồng không thể thiếu “ngọc”. Ngọc là quả bóng được để trong khung sắt, buộc ở cán gậy bằng tre. Đầu gậy treo một quả chuông để khi múa phát ra tiếng. Theo lý giải thì khi rồng ở trong đám mây, nghe tiếng kêu sẽ vờn ra đớp ngọc và điệu múa bắt đầu. Người cầm ngọc cũng phải biết bài để dẫn dắt điệu múa.

Chia tay những điệu trống giục dồn dập, những hình ảnh uyển chuyển nhưng cũng đầy mạnh mẽ của màn biểu diễn rồng, chợt nhận ra hương xuân đã ở rất gần. Cùng với những cành đào, cành mai khoe sắc, những điệu múa rồng, múa lân rộn ràng báo hiệu một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc đang về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân kể chuyện múa rồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.