Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rối mù nhân sự trước Đại hội cổ đông VPF

Huy Hoàng| 13/12/2011 06:38

(HNM) - Càng đến gần ngày tổ chức Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp (VPF), vấn đề nhân sự của tổ chức này càng nóng khi một loạt quan điểm trái chiều được tung ra.

Đằng sau động thái đó là gì? Liệu có gì đó mang ý tranh quyền, đoạt lợi, "thọc gậy bánh xe" của các nhóm khác nhau. Nếu những mâu thuẫn này không sớm được giải quyết thì có thể ảnh hưởng đến sự thành công của VPF.

Sự ra đời của VPF được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng giải V. League. Ảnh: Thục Linh

Phải khó khăn, vất vả lắm các ông bầu mới thuyết phục được LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhường lại "chiếc bánh" lợi nhuận lớn là V.League từ mùa giải 2012. Khi chuyển sang mô hình mới với sự ra đời của VPF, V.League có điều kiện hoạt động công khai, minh bạch hơn dưới sự giám sát trực tiếp của các CLB. Đây được coi là mô hình có nhiều nét tiến bộ hơn trước và mang đến rất nhiều kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Thế nhưng, trước thời điểm Đại hội cổ đông VPF lại có nhiều diễn biến khác thường khiến dư luận lo ngại, nhất là về vấn đề nhân sự.

Một số tờ báo đã đặt vấn đề xem lại ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng Giám đốc VPF là ông Phạm Ngọc Viễn. Nếu đó là những nhận xét mang tính xây dựng, kèm theo giải pháp thì không nói làm gì, nhưng một vài chỗ lại bới móc những chuyện cũ để "đánh", rõ là dù động cơ là gì, trong sáng hay không cũng đều bất lợi cho đại cục. Về vấn đề này, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng bày tỏ sự lo ngại, bởi đúng là nhân sự VPF chưa hoàn hảo, nhưng do thời gian chuẩn bị quá ngắn nên buộc phải lựa những người đã có kinh nghiệm, theo hướng an toàn. Vị này ủng hộ phương án nhân sự dự kiến của Ban trù bị VPF, bởi tìm giải pháp tốt hơn ở thời điểm này là rất khó.

Vấn đề nhân sự chỉ đặc biệt rộ lên từ khi có thông tin Ban trù bị VPF muốn mời nguyên trưởng giải Trần Duy Ly trở lại giúp sức. Không khó để nhận thấy dấu ấn đằng sau phản ứng này và điều đó khiến người trong cuộc bị rối, bởi đi theo hướng nào cũng có người phản đối. Ở đây, nên xem lại cách đặt vấn đề. Thứ nhất, quyền lựa chọn nhân sự không thuộc về bất cứ cá nhân hay phe nhóm nào mà là của Đại hội cổ đông và HĐQT. Thứ hai, vị trí tổng giám đốc suy cho cùng chỉ là người làm thuê, nếu không được việc sẽ bị thay thế ngay lập tức. Thế nên không cần thiết phải "nâng lên, đặt xuống" quá nhiều về vấn đề này. Ngay từ đầu, khi xây dựng VPF, tất cả các bên đều thống nhất là "cứ đi sẽ thành đường", vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm những người giàu kinh nghiệm lại có kiến thức chuyên môn sâu cũng là giải pháp tốt.

Hơn nữa, việc giới thiệu ông Phạm Ngọc Viễn vào chiếc ghế tổng giám đốc cũng không phải do VFF áp đặt như một số thông tin đã đưa mà do chính một số ông bầu tín nhiệm đề cử. Ông Viễn nói: "Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là Tổng Giám đốc VPF, ai làm vị trí này phải chờ đến Đại hội cổ đông. Suốt thời gian qua, tôi đã làm toàn bộ công việc chuẩn bị như viết đề án, chương trình nghị sự, định hướng kinh doanh… để Đại hội tiến hành kịp mùa giải mới. Nếu tôi không được chọn thì cũng rất vui vẻ, ít nhất những gì tôi làm cũng vì lợi ích chung".

Còn có những lo ngại về điểm yếu chung của bộ máy nhân sự dự kiến là "hơi yếu mảng kinh doanh", nhưng phía trên Ban Giám đốc còn có một loạt các nhà kinh doanh lão luyện như các ông Nguyễn Đức Kiên, Lê Hùng Dũng, Đoàn Nguyên Đức… để lo mảng đường lối. Ngoài ra, bên dưới Ban Giám đốc còn có các bộ phận chức năng chuyên lo mảng kinh doanh, nên đây cũng không phải vấn đề quá lớn. Điều đáng lo hơn là nguy cơ thiếu đoàn kết, không hướng đến lợi ích chung của bóng đá Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rối mù nhân sự trước Đại hội cổ đông VPF

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.