Luận đàm thời sự

Riêng trước, chung sau

Đại sứ Trần Đức Mậu 10/10/2023 - 07:10

Mới rồi, Liên minh châu Âu (EU) có cuộc gặp cấp cao không chính thức ở thành phố Granada của Tây Ban Nha. Cuộc gặp diễn ra ngay sau Hội nghị Cấp cao lần thứ ba của khuôn khổ diễn đàn Cộng đồng chính trị châu Âu được EU cùng tất cả các quốc gia châu Âu, trừ Nga, tổ chức cũng ở Granada. Hội nghị trước thành công bao nhiêu thì sự kiện sau kết thúc lại thê thảm bấy nhiêu.

Ở các cuộc gặp cấp cao không chính thức, EU không bị chịu áp lực phải đưa ra quyết định hay quyết sách nào. Nhưng sự kiện thông thường không thể được coi là thành công nếu EU không quyết định được chuyện gì và đặc biệt nếu không thể hiện sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ EU.

Ở Granada vừa rồi, EU đề ra chương trình nghị sự là trao đổi về định hướng phát triển cho tương lai, triển khai định hướng này như thế nào và việc lấy tiền từ đâu để chi cho quá trình thực hiện. Thế nhưng, có ba chuyện khác khiến EU phải bận tâm chủ yếu đến hiện tại mà không thể tập trung vào những toan tính chiến lược lâu dài. Ba chuyện này là cải tổ chính sách về tị nạn và di cư, kết nạp thêm thành viên mới trong thời gian từ nay đến năm 2030 và tiếp tục trợ giúp Ukraine về tài chính và vũ khí để Ukraine thắng chứ không thua Nga trong cuộc xung đột hiện tại.

Cuộc gặp không chính thức này kết thúc với việc thông qua một bản tuyên bố chung. Mang danh là tuyên bố chung nhưng những nội dung trong ấy về thực chất lại cho thấy EU không có sự đồng thuận quan điểm nội bộ và vì thế không thể có được sự phối hợp hành động cần thiết. Nguyên do là không phải tất cả các thành viên EU đều đồng loạt hành xử theo phương châm “đặt lợi ích chung của EU lên trên lợi ích riêng của các thành viên”.

Hệ lụy tất yếu của tình trạng này là sự đồng thuận chỉ có ở những cam kết và thể hiện quan điểm chung chung, nếu không mới mẻ gì thì cũng chẳng hữu ích thiết thực được là bao trên thực tiễn. Cho nên, EU vẫn không thể tránh khỏi kịch bản có một vài thành viên phủ quyết quyết sách mới và hành động chung của EU.

Trên nguyên tắc, các thành viên EU không phản đối EU thu nạp thêm thành viên mới. Nhưng rồi EU bất hòa nội bộ ngay khi bàn đến kết nạp thêm ai với điều kiện gì và vào thời điểm nào. Rất nhiều thành viên EU hiện không sẵn sàng chịu thêm gánh nặng tài chính để mở rộng EU. Cũng trên nguyên tắc, các thành viên EU đều quả quyết và khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine đến cùng. Nhưng hiện đã có thêm thành viên EU không tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính cho Ukraine, ngăn cản EU giải ngân những cam kết tài chính hỗ trợ Ukraine. EU sẽ còn tiếp tục thêm khó khăn với việc kiến tạo sự đồng thuận quan điểm nội bộ về hậu thuẫn Ukraine.

Nổi bật hơn cả là việc Hungary và Ba Lan phủ quyết phần nội dung trong bản tuyên bố chung về tị nạn và di cư. Cuộc cải tổ chính sách tị nạn và di cư của EU vì thế tiếp tục trì trệ. Vấn đề tị nạn và di cư vì thế tiếp tục bế tắc giải pháp đối với EU. Hai thành viên này không đồng tình việc EU dùng đa số áp đặt thiểu số và bất chấp thiểu số, không sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của họ để EU thúc đẩy lợi ích chung của EU.

Thật ra, co cụm và phân bè trong nội bộ EU cùng việc coi trọng lợi ích riêng của thành viên trước lợi ích chung của liên minh vốn vẫn thường thấy trong EU. Nhưng khi EU đặc biệt cần đồng thuận nội bộ như hiện tại mà lại xuất hiện tình trạng ấy thì thật vô cùng bất lợi và tai hại đối với EU.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Riêng trước, chung sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.