(HNMCT) - Bên cạnh thế hệ nghiên cứu phê bình nữ 6x trở về trước đã ổn định tên tuổi, văn đàn Việt trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, mà chủ yếu là ở thập niên thứ hai, đã có sự trình hiện của đông đảo nhà nghiên cứu phê bình văn học nữ thế hệ 7x, 8x, và lứa nghiên cứu phê bình nữ 9x cũng bắt đầu rải rác, manh nha.
Nếu so sánh với đội ngũ nghiên cứu phê bình nam cùng thế hệ thì đội ngũ nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x không hề thua kém về số lượng, nếu không nói là có phần nhỉnh hơn. Lứa nghiên cứu phê bình nữ này hiện làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, tạp chí, đa phần có học vị tiến sĩ, nhiều người có học hàm phó giáo sư.
Đặc biệt, trong khi nhiều cây bút nam đồng lứa mặc dù xuất hiện đều đặn trên các diễn đàn nghiên cứu phê bình nhưng vẫn chưa có sách xuất bản thì đa phần cây bút phê bình nữ 7x, 8x đã xuất bản từ 1 đến 4 đầu sách cá nhân. Hiện tượng có vẻ như “nữ thịnh nam suy” này có thể được lý giải ở đặc thù ngành học ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào. Khi người ta mặc định rằng “dạy toán, học văn, ăn thể dục” thì có đông người nữ chọn học văn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nghiên cứu phê bình văn học là lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao tâm khổ tứ, vậy mà vẫn có đông phụ nữ chấp nhận dấn thân, có thể nói là những người này quả đã vượt lên... “nữ nhi thường tình”.
Thời gian qua, đội hình nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x đã “ra sân” khá ấn tượng, thuyết phục. Các công trình đã xuất bản của họ tiếp cận và nhập cuộc nhanh nhạy với các lý thuyết mới mẻ, và dường như “bao sân” văn học. Họ, không chỉ “trực chiến” với văn học Việt Nam đương đại (Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI - lạ hóa một cuộc chơi - Thái Phan Vàng Anh, Ý thức nữ quyền và thơ nữ Việt Nam đương đại từ 1986 đến nay - Nguyễn Thị Hưởng, Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI - cấu trúc và khuynh hướng - Hoàng Cẩm Giang), Ma thuật của chuyện kể - Cao Kim Lan, mà còn trở lại các vùng mảng văn học của dân tộc tưởng như đã “đóng khung”, “đông kết” (Folklore và văn học viết - Nguyễn Thị Kim Ngân, Tiểu thuyết Việt Nam 1900 - 1930 - Lê Tú Anh, Thơ mới nhìn từ quan hệ văn hóa, văn học - Hoàng Thị Huế, Thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975 - khuôn mặt cái tôi trữ tình - Bùi Bích Hạnh).
Từ đề tài chiến tranh như Văn học chiến tranh từ góc nhìn thể loại của Đỗ Thị Thu Huyền đến Đề tài tha hương trong văn xuôi Việt đầu thế kỷ XXI của Lê Tú Anh), đề tài thiếu nhi như Bí mật tuổi trăng non của Thanh Tâm Nguyễn. Từ bộ phận văn học dân tộc thiểu số (Thơ dân tộc Tày sau năm 1975 - Đỗ Thị Thu Huyền), đến bộ phận văn học miền Nam (Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết - Nguyễn Thị Phương Thúy viết chung cùng Võ Văn Nhơn), bộ phận văn học Phật giáo (Thơ ca Phật giáo Việt Nam - Đông Á nhìn từ mĩ học thiền - Lê Thị Thanh Tâm). Từ các tác giả, tác phẩm “trung ương” (Âm thanh của tưởng tượng - Lê Hồ Quang), đến các tác giả tác phẩm “địa phương” (Mạch ngầm con chữ - Thy Lan, Cuộc phiêu lưu của chữ - Huỳnh Thu Hậu, Tái sinh trong ánh sáng - Lương Kim Phương), và văn học thế giới (Tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các hướng tiếp cận - Trần Huyền Sâm, Nhà văn Nhật Bản thế kỷ XX - Đào Thị Thu Hằng)...
Dễ nhận thấy, các nhà nghiên cứu phê bình nữ nói chung và thế hệ nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x nói riêng đã phát huy thiên tính nữ của mình khi làm nghề. Họ soi chiếu và “giải phẫu” các hiện tượng văn học bằng “điểm nhìn bên trong”, “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Họ cẩn trọng, chừng mực trong việc đưa ra nhận định, đánh giá. Văn nghiên cứu phê bình của họ nhẹ nhàng, mềm mại. Nhưng, điểm mạnh này đồng thời dẫn đến điểm yếu của nghiên cứu phê bình nữ: Tròn trịa, “phải đạo”, thiếu giọng, ít góc cạnh, ít cá tính.
Rất nhiều người trong số tác giả nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x không phải là nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp với nghĩa là chuyên tâm chuyên chú, xuất hiện thường xuyên, đều đặn trên các diễn đàn. Có những người, mặc dù đã có đầu sách được xuất bản nhưng đầu sách đó được “chuyển thể” từ luận văn, luận án, đề tài khoa học, nên không nhiều hàm lượng tư kiến, chủ kiến của tác giả, mà nặng hàn lâm nghiên cứu, ít bay bổng phê bình...
Có người cho rằng, giới sáng tác nữ có rất nhiều tên tuổi lớn, không hề kém cạnh giới sáng tác nam, nhưng riêng về nghiên cứu phê bình thì phái nữ có phần “lép vế”. Thật vậy, chẳng hạn như, từ văn học trung đại đến văn học trước Đổi mới, nếu có thể dễ dàng kể tên những tác giả nữ nổi bật hay những nhà nghiên cứu phê bình nam tiêu biểu, thì lại rất khó kể tên một số nhà nghiên cứu phê bình nữ. Hoặc, nếu nhìn gần vào đội hình cầm bút 7x, 8x nói chung, sẽ thấy tên tuổi những nhà nghiên cứu phê bình nữ có phần mờ nhạt so với những nhà văn, nhà thơ đồng lứa đã khẳng định thành tựu hay một số nhà nghiên cứu phê bình nam cùng thế hệ như Trần Ngọc Hiếu, Phạm Xuân Thạch, Phùng Gia Thế, Hoài Nam, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương...
Vượt lên những giới hạn chủ quan và khách quan, những cây bút nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x đã dấn nhập, đặc biệt là sống trải với văn chương cùng thời, can dự vào diễn trình và động hướng của văn học dân tộc, và cả văn học thế giới. Việc Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 xướng tên Lê Hồ Quang với tác phẩm Âm thanh của tưởng tượng và năm 2016 xướng tên Trần Huyền Sâm với tác phẩm Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, cùng nhiều tác giả nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x khác đã gặt hái một số giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong những năm gần đây, có thể coi là một trong những chỉ dấu khẳng định sự hiện diện của nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x trong đời sống văn học hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.