Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội ngũ lý luận, phê bình văn học hiện nay: Lượng dày, chất mỏng

An Nhi| 11/06/2023 07:24

(HNM) - Để thúc đẩy sự phát triển của văn học, bên cạnh sáng tác, không thể thiếu sự quan tâm đến lĩnh vực lý luận, phê bình. Những đánh giá kịp thời trong lĩnh vực văn học không chỉ cổ vũ sáng tác, mà còn định hướng chân - thiện - mỹ cho độc giả, nâng cao văn hóa đọc, góp phần xây dựng và phát triển văn học trong thời kỳ mới. Thực tế, đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học ở nước ta hiện nay khá đông nhưng sức đóng góp còn mỏng.

Độc giả đọc sách tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Đỗ Tâm

Đồng hành nhiều thế hệ

Nhìn nhận về thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng hiện nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, đã có sự phát triển về số lượng và chất lượng. So với các lĩnh vực nghệ thuật, đội ngũ lý luận, phê bình văn học có sự nổi trội, đông đảo hơn, với các thế hệ cùng đồng hành. Những cây bút trưởng thành từ giai đoạn trước vẫn tiếp tục sung sức trên văn đàn như Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Đăng Suyền, Bùi Việt Thắng, Đinh Xuân Dũng, Ngô Thảo…

Một số nhà văn, nhà thơ cũng tích cực tham gia công tác lý luận, phê bình như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Thế Kỷ, Trần Đăng Khoa… Thế hệ sinh vào những năm 1970, 1980 có những gương mặt nổi trội như Cao Kim Lan, Phong Điệp, Nguyễn Hoài Nam, Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Thanh Tâm… Song, đến nay, chưa có gương mặt nào của thế hệ sinh vào những năm 1990 ra mắt sách về lý luận, phê bình văn học.

Đội ngũ này hầu hết xuất phát từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở báo chí, xuất bản, các hội nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, đời sống lý luận, phê bình văn học cũng có sự đan xen, vừa có sự bài bản, luận giải vấn đề khoa học, cặn kẽ vừa bám sát đời sống, thời sự, linh hoạt, dễ truyền tải đến công chúng. Trong đó, có nhiều công trình chất lượng, được giới chuyên môn ghi nhận như “Bến văn và những vòng sóng” (Hữu Thỉnh), “Hậu lý luận vẫn là lý luận” (Phương Lựu), “Lặng lẽ những đời văn” (Ngô Thảo)…

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Khánh Thành, số lượng tác phẩm lý luận, phê bình văn học giá trị vẫn thưa vắng. Nhiều ngòi bút chưa vượt thoát giới hạn cũ trong khi văn học Việt Nam đã và đang chuyển động, đổi mới liên tục. Điển hình như hiện tượng được nhà thơ Vũ Quần Phương nêu, hiện nay, các câu lạc bộ thơ mọc lên như nấm, thơ được in tới tấp. “Có những tập thơ dở nhưng lại được người có tiếng trên văn đàn viết lời giới thiệu, khen ngợi... Đây là trách nhiệm của người làm phê bình!”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định.

Nâng cả lượng và chất

So với các lĩnh vực khác, đội ngũ lý luận, phê bình văn học tương đối dày dặn, theo Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên nhân khách quan là văn học vẫn chiếm được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Do vậy, nhu cầu cần được định hướng tiếp nhận của độc giả cao. Mặt khác, công tác đào tạo ngữ văn ở các trường đại học, cao đẳng mạnh, bài bản; sinh viên sau khi ra trường thường làm những công việc gần gũi với văn chương nên có điều kiện tiếp tục làm nghề.

Tuy nhiên, đội ngũ đông đảo chưa hẳn tỷ lệ thuận với chất lượng. Các cây bút lý luận, phê bình hiện nay còn hạn chế về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là phương thức tiếp cận tác phẩm, dẫn tới tư duy đơn điệu, sáo mòn. Phần lớn người làm lý luận, phê bình ở nước ta hiện nay đều coi đây là “nghề tay trái”. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho hay: “Ở Việt Nam chưa có nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, chưa ai có thể sống được chỉ bằng viết phê bình văn học. Họ vốn xuất thân là nhà báo, nhà giáo, biên tập viên ở các nhà xuất bản, chuyên viên ở các viện nghiên cứu…”. Điều này dẫn tới hoạt động lý luận, phê bình chưa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và bền bỉ với văn học.

Để phát triển, nâng cao cả về chất và lượng công tác lý luận, phê bình văn học và đội ngũ làm nghề, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (Ban Văn học nghệ thuật - Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng, phải quan tâm đầu tư, bồi dưỡng những cây bút có năng khiếu thẩm bình vượt trội ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi thành nghề. Bản thân người làm nghề phải luôn nghiên cứu, tìm tòi phương pháp tiếp cận, giữ ngòi bút công tâm, tránh tình trạng nể nang...

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cần tạo các sân chơi, cuộc thi, giải thưởng để khuyến khích đội ngũ lý luận, phê bình sáng tạo; hỗ trợ họ tiếp cận tác phẩm văn học, các tài liệu nghiên cứu, lý thuyết mới trên thế giới. Ngoài ra, cần có chế độ ưu đãi, chính sách lương, phụ cấp, nhuận bút, thù lao xứng đáng cho đội ngũ này, để họ tích cực hoạt động, góp phần thúc đẩy sáng tạo, tiếp nhận và thụ hưởng giá trị văn học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ lý luận, phê bình văn học hiện nay: Lượng dày, chất mỏng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.