Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm xây dựng đô thị thông minh

Tuệ Diễm| 13/11/2017 06:37

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Với một quyết tâm cao, đề án được kỳ vọng sẽ là giải pháp tối ưu giúp thành phố vươn lên, sánh tầm khu vực.


Giải quyết những vấn đề nội tại

TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với các thách thức lớn do tăng dân số cơ học nhanh dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng. Người dân từ các tỉnh đổ về thành phố làm việc ngày một đông trong khi hạ tầng phát triển chưa tương xứng dẫn đến hàng loạt hệ lụy như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở... Theo báo cáo Global Cities 2016 của Công ty A.T.Kerney, TP Hồ Chí Minh đang đứng cuối bảng xếp hạng trong khu vực, đứng sau Jakarta, Kuala Lumpur, Singapore, Manila.

Xây dựng đô thị thông minh được kỳ vọng sẽ đưa TP Hồ Chí Minh phát triển sánh tầm khu vực.


Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Vấn đề của TP Hồ Chí Minh đang gặp phải, trước đây các thành phố lớn trên thế giới cũng từng trải qua. Một trong những cách họ khắc phục là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ di động, mạng xã hội nhằm chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác dự báo về quản lý đô thị, vận dụng công nghệ 4.0 để xây dựng đô thị thông minh. Đến nay, nhiều quốc gia và thành phố lớn đang triển khai xây dựng đô thị thông minh thành công như Singapore, London, Chicago, New York, Seoul, Hồng Kông, Paris, Tokyo.

Hiện, UBND TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh và đang gấp rút tiến hành các bước để triển khai. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đô thị thông minh không những giải quyết những vấn đề nội tại thành phố đang gặp phải như ùn tắc giao thông, chỉ số cạnh tranh thấp, đời sống người dân chưa cao mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế”.

Trong giai đoạn đầu xây dựng đô thị thông minh, thành phố sẽ thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; thành lập Trung tâm An toàn thông tin.

Lấy người dân là trung tâm

Theo ông Dương Anh Đức, Đề án xây dựng đô thị thông minh phục vụ 4 đối tượng, gồm: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Với chính quyền, đô thị thông minh có bộ máy, cơ sở dữ liệu dự báo định hướng quy hoạch và phát triển thành phố. Với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường minh bạch, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh, đầu tư phù hợp. Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh góp phần tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin người dân, giúp họ sử dụng hiệu quả các dịch vụ của thành phố. Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân và giúp người dân giám sát bộ máy nhà nước.

Một ví dụ điển hình như sử dụng vé điện tử liên thông giao thông công cộng sẽ mang lại nhiều tiện ích. Theo đó, chỉ cần một vé điện tử để đi tàu điện ngầm, người dân sẽ thanh toán được chung với các tuyến xe buýt kết nối. Ứng dụng thanh toán điện tử sẽ được áp dụng rộng rãi toàn thành phố, để người dân giảm thiểu nhu cầu sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, các tiện ích cuộc sống nhờ công nghệ sẽ cải thiện theo hướng thuận lợi hơn như: Dịch vụ y tế, an toàn thực phẩm được kiểm soát. Công tác báo động, dự báo thiên tai nhờ ứng dụng công nghệ sẽ chính xác hơn, tiếp cận nhanh nhất đến từng hộ dân.

Ngoài ra, khi triển khai đô thị thông minh, cư dân cũng cần đủ trình độ để tiếp cận được các tiện ích do công nghệ mang lại. Vì vậy, cần có một bước điều tra xã hội học về tiếp cận công nghệ của người dân, ví dụ như bao nhiêu phần trăm cư dân có tài khoản ngân hàng, và trong số đó bao nhiêu người sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử.

Đặc biệt, khi mới triển khai đề án sẽ gặp nhiều khó khăn do người dân sử dụng thiết bị thông minh, giao dịch điện tử nhưng chưa đặt niềm tin vào tiện ích này. Đơn cử hiện nay chỉ số ít nhân viên công sở, văn phòng và tầng lớp trung lưu mới sử dụng dịch vụ thương mại điện tử. Chưa kể, mức chênh lệch trình độ của cư dân TP Hồ Chí Minh khá rõ rệt, giữa lao động trí thức và lao động phổ thông, giữa nhóm dân cư nội thành và ngoại thành.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, việc áp dụng công nghệ và internet để nâng cao chất lượng sống, ban đầu sẽ gặp khó khăn khi một bộ phận không nhỏ cư dân không tương thích với đô thị thông minh. Vì vậy, trong quá trình triển khai đề án, thành phố sẽ rà soát, đánh giá và lấy người dân là trung tâm. Thành phố cũng sẽ tiến hành khảo sát xã hội học để có đánh giá đầy đủ và điều chỉnh phù hợp. Trước mắt, UBND thành phố sẽ lựa chọn địa bàn quận 1, quận 2 và quận 12 để thí điểm triển khai xây dựng đô thị thông minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm xây dựng đô thị thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.