(HNM) - Hội nghị về Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) do Liên hiệp quốc tổ chức vừa kết thúc tại Vienna (Áo). Các nước tham dự đã thông qua kế hoạch hành động nhằm đề ra lộ trình loại bỏ vũ khí hạt nhân, hỗ trợ những người sống sót hoặc bị ảnh hưởng do phóng xạ cũng như khôi phục môi trường bị ô nhiễm bởi các vụ thử hạt nhân. Diễn ra một năm rưỡi sau khi TPNW có hiệu lực, cuộc họp đầu tiên của các quốc gia thành viên TPNW là bước tiến đáng chú ý sau nỗ lực kéo dài gần một thập kỷ nhằm thúc đẩy mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn.
Hơn 80 quốc gia đã tham gia hội nghị đầu tiên của TPNW kéo dài 3 ngày (từ 21 đến 23-6) tại Vienna với lời kêu gọi xóa bỏ vũ khí nguyên tử “trước khi chúng loại bỏ chúng ta”. Trong kế hoạch hành động Vienna, các bên tham gia nhấn mạnh "tính bổ sung" của hiệp ước, tuyên bố sẽ thực hiện các bước để tăng số lượng các quốc gia ký kết hiệp ước. Trong khuôn khổ hội nghị, các bên tham gia TPNW đã bắt đầu rà soát việc thực thi hiệp ước, thực trạng, cũng như đánh giá những tiến bộ đạt được trong thực hiện các mục tiêu của hiệp ước.
TPNW được thông qua vào tháng 7 -2017 và có hiệu lực vào tháng 1-2021. Hiệp ước đã được 86 quốc gia ký kết và 65 quốc gia phê chuẩn. Trong số các nguyên tắc và chuẩn mực cốt lõi của TPNW có việc cấm hoàn toàn và dứt khoát vũ khí hạt nhân mà không có điều kiện. Một trong những thành tựu lớn nhất của TPNW là lấp đầy khoảng trống pháp lý về việc cấm vũ khí hạt nhân. Kinh nghiệm của chính Nam Phi cho thấy rằng cả việc sở hữu hay theo đuổi vũ khí hạt nhân đều không thể tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế. Việc tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân dựa trên lợi ích an ninh được nhận thức của một số quốc gia là cái giá phải trả cho phần còn lại của nhân loại. Cam kết giải trừ quân bị của Nam Phi dựa trên niềm tin rằng hòa bình và an ninh quốc tế không thể tách rời khỏi sự phát triển.
Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Áo Alexander Kmentt - người chủ trì hội nghị lưu ý, cộng đồng toàn cầu hiện đang ở ngã ba đường khi thảo luận về vũ khí hủy diệt hàng loạt. TPNW có hiệu lực từ năm 2021, đang mang lại hy vọng cho cộng đồng quốc tế, nhưng lại không có sự tham dự của 9 cường quốc hạt nhân toàn cầu, những nước này không bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi hiệp ước. 5 cường quốc hạt nhân được phép sử dụng hạt nhân trên thế giới là: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh, trong khi Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên cũng có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nước này đã không dự hội nghị của Liên hợp quốc, do TPNW là một lệnh cấm toàn diện đối với việc tham gia vào tất cả hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại hội nghị qua hình thức ghi hình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia tham gia TPNW, đồng thời lưu ý rằng thế giới đang tiến gần hơn đến nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng trở lại. Ngày nay, những bài học kinh hoàng từ việc Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) bị ném bom nguyên tử đang mờ dần trong ký ức. Với hơn 13.000 vũ khí hạt nhân vẫn được lưu giữ trên toàn cầu, viễn cảnh xung đột hạt nhân từng không thể tưởng tượng được nay đã trở lại trong phạm vi khả năng xảy ra.
Trong những năm gần đây, các cuộc thảo luận về việc cấm vũ khí hạt nhân đã được dấy lên trở lại, các phương tiện truyền thông cũng đã nâng cao nhận thức về vấn đề này. TPNW là minh chứng cho nhu cầu ngày càng gia tăng về các hành động cụ thể hơn, hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Khát vọng này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh báo động hiện nay, khi nguy cơ đối đầu hạt nhân đã lên đến mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.