Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế

Quốc Bình| 20/01/2018 06:16

(HNM) - Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra ngày 19-1, một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm là việc Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến các đại biểu về dự thảo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ”. Đây là cơ sở để đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quy chế về kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”, qua đó thể hiện quyết tâm "nhốt" quyền lực vào "lồng" cơ chế.


Xác định 6 nhóm giải pháp

Theo Ban Tổ chức Trung ương, việc mở cửa và hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh việc tạo ra những nhân tố tích cực cho xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cũng xuất hiện sự thoái hóa, biến chất, lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp”. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do "Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế".

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên đã gây ra những hậu quả, hệ lụy không nhỏ trong xã hội; tạo điều kiện, cơ hội cho một bộ phận cán bộ, công chức “trèo cao, chui sâu” trong khi phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ, uy tín không tương xứng với vị trí, chức vụ đảm nhiệm; tạo ra các ê kíp, nhóm lợi ích cấu kết, lũng đoạn quyền lực, vơ vét tài sản của Nhà nước, nhân dân, làm cho nạn tham nhũng ngày càng nhức nhối hơn; làm mất cơ hội, thui chột ý chí, nhiệt huyết phấn đấu và cống hiến của những cán bộ có thực tài. Nạn “chạy chức, chạy quyền” còn khiến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó, chậm, thậm chí không thể đi vào cuộc sống. Từ đó làm cho nhân dân bất bình, lo lắng, suy giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên bức xúc, chán chường, mất động lực phấn đấu; là nguy cơ hiểm họa lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.
Mục tiêu của chuyên đề nhằm tham mưu cho Bộ Chính trị về cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ; khắc phục những hạn chế, yếu kém về kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tình trạng “chạy chức, chạy quyền”; hướng tới “4 không”: Không thể “chạy”, không dám “chạy”, không cần “chạy”, không muốn “chạy”; trong đó đặc biệt chú trọng “không thể chạy” và “không dám chạy”.

Dự thảo chuyên đề đưa ra 6 nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu trên bao gồm các giải pháp về công tác tư tưởng; khắc phục những bất hợp lý, tiêu cực, chấn chỉnh công tác cán bộ; hoàn thiện thể chế, cơ chế kiểm soát quyền lực; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ; hoàn thiện cơ chế chính sách tạo động lực cho cán bộ, công chức; tăng cường kiểm tra, giám sát… Trong đó, đáng chú ý, theo Ban Tổ chức Trung ương, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp vi phạm trong việc thực thi quyền lực được giao.

Đề xuất Bộ Chính trị ban hành quy định phù hợp

Tham luận về dự thảo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ”, 15 ý kiến đều đồng tình cho rằng đây là nội dung cấp thiết, đáp ứng sự quan tâm, chờ đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt câu hỏi có hay không “chạy chức, chạy quyền”, nếu có thì “ai chạy, chạy ai” và cần “phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Với chuyên đề này, Ban Tổ chức Trung ương đã đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Trung ương cũng như đòi hỏi của thực tiễn đời sống.

Đánh giá cao 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Ban Tổ chức Trung ương xây dựng trong chuyên đề, các đại biểu đã bổ sung, nhấn mạnh thêm một số giải pháp quan trọng. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị cần đề cao và bổ sung thêm giải pháp nâng cao chế độ đãi ngộ, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để đạt được “4 không” như mục tiêu của chuyên đề, các nhóm giải pháp phải được thực hiện toàn diện, thường xuyên và có hệ thống gắn bó chặt chẽ với từng khâu của công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải đề nghị phải tập trung vào giải pháp phân cấp, phân quyền, vì hiện nay phân cấp, phân quyền chưa rõ, còn chồng chéo.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” còn diễn biến tinh vi, phức tạp. Đồng chí hoan nghênh Ban Tổ chức Trung ương đã đưa dự thảo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ” ra thảo luận, lấy ý kiến tại hội nghị. Tổng Bí thư yêu cầu trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục hoàn thiện dự thảo chuyên đề, từ đó góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ một cách phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.