Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Trung Hiếu| 09/12/2017 06:33

(HNM) - Tình trạng vi phạm trật tự đô thị là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội ngày 6-12 bởi lẽ thực tế này vẫn phức tạp không chỉ ở nội thành, mà ở cả ngoại thành.

Trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua có chuyển biến tích cực, nhưng còn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo cần sớm xử lý. Ảnh: Anh Tuấn


Những vụ việc nổi cộm

Khảo sát trên địa bàn nhiều quận, huyện cho thấy, những vi phạm về trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp. Ví dụ tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), nhiều ô đất trong dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I đã bị hàng trăm hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép. Thậm chí, có đơn vị lấy cớ mượn đất xây dựng tạm văn phòng điều hành, nhà kho để vật tư, nhà ở tạm cho công nhân... nhưng tự ý cho thuê lại, biến thành các gara sửa chữa ô tô, nhà hàng trái phép...

Còn tại các quận nội thành, vi phạm trong lĩnh vực này cũng không đơn giản. Tại quận Đống Đa, những vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án xây dựng Công viên văn hóa - thể thao - vui chơi Đống Đa rất nhức nhối. Đây đều là những công trình không phép nằm trên đất dự án và tồn tại nhiều năm nay. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, toàn bộ phần đất tiếp giáp mương Thái Hà (từ Trung tâm Chiếu phim quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu) hiện hình thành một dãy nhà kiên cố sau khi dự án cống hóa mương Thái Hà hoàn thành. Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra tại khu vực xung quanh Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng). Thực trạng trên bắt nguồn từ việc người dân cố tình vi phạm và nhiều dự án triển khai quá chậm khiến công tác quản lý mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm HĐND thành phố khóa XV vừa qua, một trong những đề tài "nóng", được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn là vấn đề quản lý trật tự xây dựng. Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khi đến nay vẫn để tồn tại 154 công trình vi phạm của năm 2015, 2016 và 345 công trình mới của năm 2017 chưa được xử lý dứt điểm. Những vi phạm này tập trung ở một số quận, huyện như: Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng…

Dấu hiệu đáng mừng

Trả lời chất vấn về lĩnh vực vi phạm trật tự xây dựng tại kỳ họp thứ năm HĐND thành phố khóa XV, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận, đây là những vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, rất khó giải quyết triệt để. Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng đã có những chuyển biến đáng mừng trong năm 2017. Theo đó, Thanh tra Sở Xây dựng cùng các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 100% công trình xây dựng. Tính đến hết tháng 10-2017, cơ bản các trường hợp vi phạm đã được lực lượng thanh tra xây dựng lập biên bản, đề xuất biện pháp xử lý và chuyển hồ sơ đến UBND các cấp giải quyết theo quy định. Cụ thể, đã kiểm tra 17.422 công trình, số vi phạm là 1.916 công trình, trong đó số công trình đã xử lý dứt điểm chiếm 82% (1.571 công trình). So với cùng kỳ năm 2016, số công trình vi phạm giảm 533 trường hợp.

Về số nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo", tính đến tháng 11-2016 là 137 trường hợp.

Đây là những thửa đất nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng khi xây dựng 8 tuyến đường trục chính của thành phố từ nhiều năm trước (như Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai... hình thành trước ngày 15-3-2005 khi Quyết định 39/TTg có hiệu lực). Đến nay, qua kiểm tra, báo cáo của các quận, huyện, đã giải quyết được 5/137 trường hợp, vẫn còn 132 trường hợp đang tiếp tục xử lý.

Theo ông Lê Văn Dục, Sở Xây dựng đã có giải pháp cụ thể: Với 54 trường hợp rất phản cảm, cao lênh khênh như ở phố Đào Tấn, sẽ đề xuất thu hồi; với 18 trường hợp khác, UBND các quận đã đề xuất cùng các sở để tham mưu, trình UBND thành phố cho chỉnh trang... Trong quý I-2018, Sở Xây dựng và các ngành liên quan sẽ trình thành phố phương án xử lý từng trường hợp. Riêng 8 trường hợp vi phạm hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Sở và các ngành liên quan có phương án xử lý trong tháng 12-2017.

Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2017, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, kể từ khi thành phố ban hành Quyết định 3973/QĐ-UBND (ngày 20-7-2016) về việc giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng (kể từ ngày 1-9-2016), công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nói chung và tình hình xử lý các vụ việc vi phạm nổi cộm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành và sự quan tâm chỉ đạo của các quận, huyện, phường, xã; đặc biệt công tác tuyên truyền pháp luật được chính quyền các cấp coi trọng nên các chủ thể đã có ý thức hơn trong chấp hành pháp luật về xây dựng.

Thời gian tới, Sở Xây dựng cùng Sở Nội vụ sẽ thực hiện mô hình thí điểm đã được Chính phủ chấp thuận cho Hà Nội - là địa phương duy nhất thí điểm - đưa đội ngũ thanh tra xây dựng về quận, huyện, thị xã để điều hành trực tiếp. Đồng thời, hoàn chỉnh việc xây dựng quy chế phối hợp trong tháng 12-2017 với phương châm rõ trách nhiệm, rõ đơn vị thực hiện, phấn đấu không để xảy ra những vi phạm nổi cộm, bức xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý vi phạm trật tự xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.