Thị trường

Xử lý vi phạm trong kinh doanh vàng: Góp phần ổn định thị trường

Hương Thủy - Lam Giang 19/04/2024 - 06:25

Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu triển khai giải pháp nhằm bảo đảm thị trường vàng hoạt động “an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả”.

Thực hiện chỉ đạo này, thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các vi phạm để đưa thị trường dần ổn định.

luc-luong-chuc-nang-kiem-tr.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm kinh doanh vàng, bạc tại quận Cầu Giấy.

Chênh lệch giá vàng vẫn ở mức cao

Nhìn lại thời điểm cuối năm 2023, giá vàng trong nước diễn biến đáng chú ý. Ngày 26-12, giá vàng vượt mốc 80 triệu đồng, lên mức 80,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng lên mức gần 20 triệu đồng/lượng.

Sang năm 2024, giá vàng tiếp tục biến động mạnh. Đặc biệt, sang tháng 4 giá kim loại quý biến động dữ dội. Giá vàng miếng SJC vượt qua mọi dự báo, lần lượt vượt mốc 83 triệu đồng, rồi 84 triệu đồng và lên mức cao nhất trong lịch sử 85,5 triệu đồng/lượng vào ngày 15-4. So với cuối năm 2023, giá vàng ở mức đỉnh mới cao hơn tới trên 10 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã giảm đáng kể song vẫn ở mức cao, phổ biến 12 triệu đồng/lượng.

Một số chuyên gia cho rằng, nguồn vàng hạn chế do độc quyền vàng miếng SJC là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng và quốc tế duy trì ở mức cao. Giá vàng tăng cao, biên độ mua - bán ở mức rộng, chênh lệch lớn với giá thế giới khiến người mua gặp rủi ro; đồng thời có nguy cơ gia tăng tình trạng buôn lậu vàng...

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo về quản lý thị trường vàng. Gần đây nhất tại Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11-4-2024 kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20-3-2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, theo đó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng.

Cùng với đó, vào trung tuần tháng 4 này, Ngân hàng Nhà nước thông tin đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại tổ chức đấu thầu vàng miếng.

nguoi-dan-chon-mua-vang-tai.jpg
Người dân chọn mua vàng tại một cửa hàng ở quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Đỗ Tâm

Xử lý 110 vụ việc vi phạm kinh doanh vàng

Nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nhiều vi phạm.

Ngày 4-4, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) đã đồng loạt kiểm tra đột xuất 3 điểm kinh doanh vàng, bạc tại quận Long Biên và quận Cầu Giấy. Cũng trong ngày, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Tiền Giang, An Giang đã kiểm tra đột xuất một loạt cơ sở kinh doanh vàng. Tại Quảng Ninh, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra đột xuất cửa hàng vàng, trang sức tại phường Hòa Lạc (thành phố Móng Cái), phát hiện 8 mặt dây chuyền vàng mang nhãn hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, trị giá 68.333.000 đồng. Theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, 2 tháng qua, Cục đã kiểm tra, xử lý 13 cơ sở kinh doanh vàng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 311.750.000 đồng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho biết, trước diễn biến của thị trường vàng, ngay từ cuối năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng vàng. Trong quá trình kiểm tra, đã xác định một số hành vi vi phạm liên quan đến niêm yết giá, sản phẩm không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa (không ghi tên hàng hóa), không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ... Ngoài ra là các vi phạm về điều kiện kinh doanh, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử… Tổng cục Quản lý thị trường cũng thông tin thêm, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra 130 vụ việc liên quan tới hoạt động kinh doanh vàng, xử lý 110 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là trên 2,2 tỷ đồng...

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường, các cục quản lý thị trường địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, đặc biệt là các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng mặt hàng vàng hoặc đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Đặng Việt Hưng:
Cần thành lập sàn giao dịch vàng liên thông với quốc tế

t3-ykien-dang-viet-hung.jpg

Trên thế giới, sàn giao dịch vàng là mô hình phổ biến tại nhiều quốc gia, không chỉ riêng tại các quốc gia phát triển. Khi đưa vào giao dịch trên các sàn, mặt hàng vàng được khớp lệnh công khai, minh bạch, bất kể tổ chức, cá nhân nào tham gia sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, người mua… Thông tin minh bạch giúp chủ thể tham gia thị trường vàng có thể đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước sẽ dễ dàng kiểm soát thị trường.

Điều này cũng giải quyết vấn đề quan trọng nữa là liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới. Nếu cho ra đời sàn giao dịch vàng việc liên thông sẽ rất dễ dàng, do đó không nhất thiết phải nhập khẩu vàng mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay với thị trường vàng thế giới, từ đó tạo cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới. Theo tôi, việc thành lập sàn giao dịch vàng liên thông với quốc tế là điều rất cần thiết để tháo gỡ những “điểm nghẽn" của thị trường vàng hiện nay, phát huy được sự đóng góp tích cực của thị trường vàng đối với nền kinh tế.

Chuyên gia về vàng Trần Duy Phương:
Cần sớm cung ứng vàng ra thị trường

t3-ykien-tran-duy-phuong.jpg

Trong hơn 10 năm qua, doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng. Các doanh nghiệp thu mua vàng trên thị trường làm nguồn nguyên liệu duy nhất cho nhu cầu chế tác. Vì vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu nên có tâm lý lo ngại về rủi ro.

Tôi nghĩ, việc siết chặt quản lý thị trường vàng, đặc biệt qua kiểm tra, chống buôn lậu là rất cần thiết. Tuy nhiên, để ổn định thị trường vàng, việc quan trọng lúc này là sớm cung ứng vàng ra thị trường. Khi thị trường có nguồn cung dồi dào, “cơn khát” sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Giá vàng trong nước sẽ về sát với giá thế giới, tình trạng buôn lậu vàng cũng sẽ giảm.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC và đã đề nghị Bộ Công an phối hợp để bảo đảm hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả. Đây là thông tin rất tốt bởi doanh nghiệp sẽ được mua vàng bảo đảm chất lượng. Việc đấu thầu vàng cần được cơ quan chức năng đưa ra thời gian cụ thể và sớm triển khai.

Chị Vũ Thùy Ninh (phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình):
Mong thị trường ổn định

t3-ykien-vu-thuy-ninh.jpg

Người Việt có thói quen mua vàng, tích trữ vàng. Hơn nữa, vàng có thanh khoản tốt, có thể mua bán bất cứ lúc nào, không cần có nhiều kiến thức như kênh đầu tư chứng khoán hay bất động sản, nên được nhiều người dân quan tâm.

Điều đáng nói là suốt thời gian dài vừa qua, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới rất nhiều, có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng. Vì vậy, người mua chịu nhiều rủi ro. Hơn nữa, những lúc giá vàng biến động mạnh, doanh nghiệp để biên độ mua - bán ở mức rất rộng, lên tới 3-3,5 triệu đồng/lượng, nên vừa mua xong bán lại ngay vẫn bị lỗ nặng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức cao sẽ khiến gia tăng tình trạng buôn lậu vàng. Vì vậy, người dân lo lắng có thể mua phải vàng kém chất lượng. Tôi rất mong cơ quan quản lý sớm triển khai các biện pháp để đưa thị trường vàng ổn định, giá vàng trong nước và thế giới không còn chênh lệch lớn, cũng như biên độ giá mua - bán vàng không rộng như hiện nay, từ đó, người dân bớt được rủi ro khi mua vàng.

Hà Hương ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm trong kinh doanh vàng: Góp phần ổn định thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.