Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt xử lý vi phạm pháp luật đê điều

Kim Nhuệ| 11/11/2019 07:47

(HNM) - Mặc dù đã vào cuộc xử lý vi phạm pháp luật đê điều nhưng huyện Ứng Hòa vẫn chưa thể ngăn chặn phát sinh số vi phạm mới. Để chấm dứt tình trạng này, huyện Ứng Hòa cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn...

Đê tả Đáy, đoạn qua địa bàn huyện Ứng Hòa dài 36,3km, có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản khoảng 10.000 người sinh sống trên địa bàn 13 xã, thị trấn ven đê. Ngoài ra, đê tả Đáy còn giữ vai trò tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức... Tuy nhiên, quan sát thực tế trong ngày 8-11, trên tuyến đê này vẫn còn nhiều hộ vi phạm pháp luật đê điều. Đơn cử, đoạn qua thị trấn Vân Đình, hộ ông Phạm Văn Vũ có hành vi xây móng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều. Trên địa bàn xã Hòa Nam, hộ ông Cao Văn Nghĩa đổ bê tông, dựng khung nhà trong hành lang bảo vệ mái đê...

Theo Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, 10 tháng năm 2019, trên tuyến đê tả Đáy xảy ra 6 vụ vi phạm; trong đó, thị trấn Vân Đình 4 vụ, xã Hòa Nam 1 vụ, xã Vạn Thái 1 vụ. “Tất cả vi phạm trên, đơn vị đã lập biên bản hiện trường, gửi hồ sơ, đề nghị các xã, thị trấn và huyện Ứng Hòa xử lý. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chưa xử lý được vụ nào. Bên cạnh đó, huyện Ứng Hòa còn tồn đọng hơn 3.100 vụ vi phạm trên đê tả Đáy; trong đó có 1.281 vụ xây dựng công trình nhà bê tông kiên cố, 1.734 vụ nhà lợp ngói, mái tôn…”, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức Phạm Ngọc Dũng cho biết.

Về nguyên nhân chậm xử lý vi phạm, ông Phạm Ngọc Dũng cho biết, do tuyến đê đi qua nhiều khu dân cư sinh sống từ lâu đời; nhiều gia đình có đất thổ cư nằm trong hành lang bảo vệ đê… Bên cạnh đó, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của tuyến đê nên chưa tự giác chấp hành quy định của pháp luật đê điều. Một số chính quyền cấp xã chưa kiên quyết xử lý, thậm chí có biểu hiện né tránh giải quyết vi phạm...

Trước tình trạng trên, huyện Ứng Hòa đã xây dựng kế hoạch, với quan điểm kiên quyết xử lý. Huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp với Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức rà soát, lập danh sách, đề xuất giải pháp, tiến độ hoàn thành công tác xử lý vi phạm… Hằng tháng, huyện giao ban với các xã, thị trấn kiểm điểm kết quả, tiến độ xử lý…

“Nếu địa phương nào không hoàn thành đúng kế hoạch giải tỏa, huyện sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đó bằng các hình thức hạ thi đua, tạm đình chỉ chức vụ điều hành để tập trung xử lý…”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp cho biết. Cùng với đó, huyện đề nghị Điện lực Ứng Hòa ngừng cung cấp điện cho các khách hàng mới xây dựng công trình vi phạm pháp luật đê điều…

Sau 4 tháng triển khai kế hoạch trên, tính đến ngày 7-11, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xử lý, giải tỏa 74 công trình xây dựng vi phạm pháp luật đê điều; trong đó, thị trấn Vân Đình xử lý được 69 trường hợp, xã Hòa Nam 2, Lưu Hoàng 1, Vạn Thái 1. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng đã giải tỏa 259 trường hợp dựng mái che, mái vẩy trong hành lang đê điều; trong đó, xã Hòa Nam 150 vụ, Phù Lưu 40, Hòa Phú 35, thị trấn Vân Đình 34… Sau giải tỏa, huyện Ứng Hòa giao các xã, thị trấn quản lý, không để tái lấn chiếm...

“Để giảm tồn đọng số vụ vi phạm pháp luật đê điều và bảo đảm bền vững, huyện Ứng Hòa đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục xử lý theo kế hoạch; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, huyện cũng đề nghị các sở, ngành liên quan kiểm tra, đề xuất UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giới ngoài thực địa, phân định rõ ràng phạm vi bảo vệ đê và xây dựng các tuyến đường gom dân sinh dọc tuyến đê…”, ông Dương Hồng Điệp cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý vi phạm pháp luật đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.