Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều

Kim Nhuệ| 22/08/2022 08:06

(HNM) - Dù đang thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ nhưng nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đê điều. Thực tế này không chỉ đe dọa an toàn công trình chống lũ, gia tăng rủi ro thiên tai mà còn gây bức xúc trong nhân dân, do đó cần sớm xử lý dứt điểm.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên tự giải tỏa công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ đê hữu Hồng, đoạn xã Khai Thái.

Đê hữu Hồng có nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống lũ, bảo vệ khu vực nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, quan sát tại các khu vực trọng điểm đê điều thuộc địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Phú Xuyên... phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều bãi sông bị chiếm dụng làm nơi đổ đất, tập kết cát sỏi, xây dựng nhà xưởng với quy mô đặc biệt lớn, nguy cơ cao gây cản trở dòng chảy thoát lũ...

Điển hình, phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) để xảy ra vụ việc đổ trộm hàng nghìn mét khối đất xuống lòng sông Hồng, tạo thành hàng trăm mét vuông mặt bằng liền kề khu đất của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Hà Trang được giao quản lý, sử dụng. Các phường: Thanh Trì, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) để phát sinh và chưa xử lý dứt điểm 3 hộ sử dụng hàng trăm mét vuông đất bãi sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn. Xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) chưa xử lý dứt điểm 3 doanh nghiệp tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang thoát lũ sông Hồng. Đặc biệt, xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) để xảy ra vụ việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên xây dựng hạng mục tường Trường Mầm non trung tâm xã Khai Thái trong phạm vi bảo vệ đê (cách chân đê hữu Hồng 0,7m, dài 160m, rộng 0,3m)...

Đánh giá tính chất vụ việc, các hạt quản lý đê: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Phú Xuyên khẳng định, những vi phạm này là nghiêm trọng, không chỉ cản trở dòng chảy thoát lũ mà còn tạo rủi ro thiên tai cho chính công trình vi phạm... Còn người dân địa phương bức xúc và không thể chấp nhận những doanh nghiệp, cơ quan nhà nước dù hiểu biết pháp luật nhưng vẫn xâm hại công trình đê điều, phòng, chống thiên tai.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho thấy, trong tháng 7 và 8 (thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ năm 2022), các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì và Ứng Hòa để phát sinh 20 vụ vi phạm pháp luật đê điều; nâng tổng số vụ từ đầu năm 2022 đến nay lên 60. Mặc dù cơ quan quản lý đê đã lập biên bản, chuyển hồ sơ, đề nghị xử lý theo thẩm quyền nhưng đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý 11 vụ phát sinh trong năm 2022 và 7 vụ xảy ra từ trước năm 2021.

Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tổng kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn; chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý, giải tỏa vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc tồn đọng trên địa bàn theo thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo trên, các quận, huyện, thị xã đang phối hợp cơ quan quản lý đê hoàn thiện hồ sơ, lập kế hoạch xử lý dứt điểm những vụ vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều... Trong đó, UBND huyện Phú Xuyên yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện giải tỏa ngay công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê hữu Hồng - đoạn xã Khai Thái...

Thực tiễn cho thấy, ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm đê điều không chỉ giữ an toàn công trình phòng, chống lũ mà còn góp phần tạo nên sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.