Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội

Quỳnh Phạm| 01/05/2017 07:33

(HNM) - Cuối tháng 4 vừa qua, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã công bố danh sách 500 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội với số nợ lớn nhất của một đơn vị lên tới gần 25,5 tỷ đồng, có doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động trong gần 10 năm.

Các doanh nghiệp may mặc thường nằm trong nhóm có số nợ đọng bảo hiểm xã hội lớn.


Công khai đơn vị chây ỳ

Nhìn lại kết quả thu bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và BH thất nghiệp trong ba tháng đầu năm 2017, Phó Giám đốc phụ trách BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, cho biết: Số người tham gia BHXH, BHYT ở Hà Nội đã lên tới gần 6 triệu người. Kết quả thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên toàn thành phố là gần 7.000 tỷ đồng, đạt 20,9% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn thành phố có 55.747 đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, trong đó có 48.637 doanh nghiệp. Trong quý I, BHXH Hà Nội phát triển mở rộng được 2.284 doanh nghiệp với gần 8.000 lao động tham gia BHXH, BHYT.

Về công tác thu nợ, ngay từ đầu năm, BHXH thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Trong ba tháng đầu năm, 72 cuộc thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện. Mặc dù BHXH thành phố đã triển khai các biện pháp thu hồi nợ một cách ráo riết nhưng tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT của Hà Nội vẫn ở mức cao nhất cả nước. Tính đến hết tháng 3-2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên toàn thành phố là trên 3.166 tỷ đồng với 39.140 đơn vị, chiếm 9,5% kế hoạch thu, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Nội cũng là địa phương có số lượng người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất cả nước, với hơn 548.000 người.

Việc công bố danh sách các doanh nghiệp nợ đọng BHXH là một trong những biện pháp đã được ngành đề cập từ lâu nhưng do e ngại ảnh hưởng uy tín đơn vị nên tới nay mới thực hiện. Trong danh sách 500 đơn vị, Công ty CP Lilama 3 đứng đầu với khoản nợ 25,419 tỷ đồng BHXH của 226 lao động trong 53 tháng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ hơn 19 tỷ đồng của 962 lao động trong 12 tháng; Chi nhánh Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki - Nhà máy Sản xuất ô tô số 1 Mê Linh nợ 18,9 tỷ đồng của 167 lao động trong 74 tháng. Hàng chục doanh nghiệp khác có mức nợ từ 10 đến 15 tỷ đồng tiền BHXH liên quan tới hàng nghìn lao động. Đơn vị có số nợ ít nhất trong danh sách này cũng không dưới 500 triệu đồng. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đã nợ trong thời gian quá dài, như Công ty CP 116 - Cienco 1 nợ 14,5 tỷ đồng của 62 lao động trong 109 tháng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 128 - Cienco 1 nợ 10,5 tỷ đồng của 15 lao động trong 105 tháng.

Chờ hướng dẫn khởi kiện


Để thúc đẩy việc đóng BHXH của các doanh nghiệp, bên cạnh việc điểm mặt chỉ tên các đối tượng chây ỳ, BHXH Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, thu nợ và khởi kiện. Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Đức Hòa cho biết, việc thanh tra, kiểm tra mang lại hiệu quả không nhỏ. Bằng chứng là sau khi đi thanh tra, kiểm tra quý I, số tiền nợ BHXH thu hồi được là 7,5 tỷ đồng. Việc BHXH Hà Nội trực tiếp đôn đốc thu tại 4.882 đơn vị cũng giúp thu hồi được 46,4 tỷ đồng nợ.

Việc khởi kiện cũng là một biện pháp thể hiện sự quyết liệt của BHXH Hà Nội. Ngành đã bàn giao hồ sơ 129 đơn vị với tổng số tiền nợ 142,9 tỷ đồng sang tổ chức Công đoàn để tiến hành khởi kiện. Đến nay tổ chức Công đoàn đã nộp đơn kiện 24 đơn vị với 39,7 tỷ đồng nợ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết hành trình vẫn còn nhiều vướng mắc. Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-6-2016, đã đưa vào nhóm tội danh liên quan đến đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Theo đó, người nào trốn đóng hoặc gian lận tiền BH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song hiện Bộ luật Hình sự năm 2015 đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để chờ Quốc hội thông qua. Ngoài ra, mặc dù Điều 14 của Luật BHXH đã quy định rõ tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH từ ngày 1-1-2016, thế nhưng do có sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật trong thực hiện BHXH, nên tới nay các tổ chức Công đoàn chưa khởi kiện thành công được một vụ nào.

Về những vướng mắc trong vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết Tòa án nhân dân Tối cao đang xem xét, soạn thảo văn bản hướng dẫn khởi kiện. Khi có hướng dẫn, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với tòa án, liên đoàn lao động để tập huấn quy trình, thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BH. Việc có hướng dẫn khởi kiện đúng quy trình sẽ tạo chuyển biến tích cực trong việc giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH hiện nay.

Được biết, năm 2017, để giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 4% như mục tiêu phấn đấu, BHXH thành phố sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới và thực hiện quyết liệt hơn. Việc đôn đốc thu nợ sẽ được thực hiện ngay khi có phát sinh nợ từ tháng thứ 2. BHXH Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế Hà Nội tổng hợp báo cáo UBND thành phố các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để mời đối thoại và sớm có biện pháp yêu cầu chủ sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động. Cục Thuế Hà Nội cũng sẽ cập nhật danh sách các doanh nghiệp nộp thuế trên địa bàn hằng quý, làm cơ sở để yêu cầu các doanh nghiệp chưa đóng BHXH tham gia thực hiện nghĩa vụ với người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.