(HNM) - Vụ xuân 2020 đang cận kề. Để thông thoáng dòng chảy, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất, các địa phương cần khẩn trương, quyết liệt trong xử lý, giải tỏa vi phạm trên các công trình thủy lợi…
Trong quá trình đi khảo sát các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ xuân 2020, phóng viên Báo Hànộimới phát hiện có không ít vật cản ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng dẫn nước phân phối cho các xứ đồng tại nhiều tuyến sông, kênh mương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, trên tuyến kênh Đồng Chối Hạ, đoạn thuộc địa bàn xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), người dân dựng cột bê tông, căng lưới trên bờ và lòng kênh để làm nơi chăn nuôi, diện tích vi phạm khoảng hơn 100m2. Trên kênh Ba Đầu Giao, đoạn thuộc địa bàn xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) có công trình kè đá trong lòng kênh, diện tích vi phạm khoảng gần 100m2. Trên tuyến sông Nhuệ, đoạn thuộc xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai), tồn tại công trình tường rào trên lòng kênh với diện tích vi phạm khoảng hơn 200m2... Đặc biệt, trên địa bàn xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), nhiều đoạn kênh nội đồng bị lấp kín bởi vật liệu xây dựng…
Chỉ tay về phía tuyến kênh mương bị lấp kín cát, sỏi, gạch… bà Nguyễn Thị Thoan, người dân xã Khánh Hà lo lắng: “Nếu các cấp chính quyền không kiên quyết xử lý tình trạng này, thiếu nước sản xuất vụ xuân là chắc chắn…”.
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh 299 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Hiện các quận, huyện, thị xã mới xử lý, giải tỏa được 61 vụ vi phạm; tồn đọng 238 vụ vi phạm. Những địa phương tồn đọng nhiều vụ vi phạm pháp luật thủy lợi là: Thường Tín 112 vụ, Sóc Sơn 18 vụ, Thanh Oai 15 vụ.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, khó khăn lớn nhất của huyện trong xử lý vi phạm là hiện phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn chưa được cắm mốc, phân định ranh giới bảo vệ ngoài thực địa...
Còn Chủ tịch UBND xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) Lê Văn Tạo lý giải, xã đang đầu tư kiên cố giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện các dự án, xã chưa hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng, dẫn đến vi phạm pháp luật thủy lợi…
Để ngăn ngừa và xử lý dứt điểm những vụ vi phạm pháp luật thủy lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi bố trí kinh phí thực hiện cắm mốc giới bảo vệ công trình thủy lợi… Các quận, huyện, thị xã cần kiên quyết xử lý vi phạm ngay khi phát hiện, hạn chế đẩy vụ việc lên cấp trên giải quyết…
"Trước mắt, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi xử lý, giải tỏa ngay vi phạm, vật cản ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy. Công việc này phải hoàn thành trước thời điểm lấy nước phục vụ nhân dân làm đất, gieo cấy vụ xuân 2020", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
Thực hiện chỉ đạo trên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Vũ Mạnh Hùng cho biết, đơn vị đã phân công cán bộ, công nhân viên quản lý chặt chẽ các địa bàn. Nơi nào phát sinh vi phạm pháp luật về thủy lợi mà tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ không phát hiện kịp thời, chậm gửi hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương xử lý thì sẽ bị kỷ luật theo quy định. Tương tự, 3 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố Hà Nội cũng đang áp dụng hình thức quản lý này.
Về phía chính quyền, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với những cán bộ trực tiếp phụ trách lĩnh vực và người đứng đầu để xảy ra vi phạm. Trước mắt, ngay trong tháng 12 này, huyện chỉ đạo các xã hoàn thành công tác xử lý vi phạm công trình thủy lợi, giải tỏa vật cản ảnh hưởng trực tiếp dòng chảy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.