Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn "nóng" việc xâm phạm công trình thủy lợi

Kim Nhuệ| 30/05/2022 07:38

(HNM) - Mặc dù mùa mưa bão đã đến nhưng nhiều công trình tiêu úng của thành phố Hà Nội tiếp tục bị xâm hại. Dẫn chứng là trên bờ kênh tiêu Trạm bơm Phụng Châu (đoạn xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) xảy ra việc xây tường và nhà ở. Trên bờ kênh Tây Ninh (đoạn xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) cũng có công trình xây tường gạch, đổ đất, dựng lán. Tương tự, bờ sông Nhuệ (đoạn xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) có người dân xây móng và nhà trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi... Đặc biệt, tại các hồ thủy lợi: Đồng Đò (thuộc địa bàn xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) còn xảy ra việc đổ đất, đào móng, xây tường đá, dựng hàng rào bằng cột bê tông trong phạm vi bảo vệ công trình...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo các doanh nghiệp thủy lợi thành phố: Hà Nội, sông Đáy, sông Nhuệ cho rằng, những hành vi nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật thủy lợi mà còn đe dọa an toàn công trình phòng, chống úng ngập, cản trở dòng chảy tiêu úng... “Phát hiện vi phạm, công ty đã kịp thời lập biên bản, chuyển hồ sơ, đề nghị các địa phương xử lý theo thẩm quyền nhưng một số địa phương chưa giải tỏa, xử lý dứt điểm nên vi phạm vẫn tồn tại”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho biết.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 141 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Thời điểm này, các địa phương mới giải tỏa được 19 vụ phát sinh trong năm 2022 và 55 vụ xảy ra từ những năm trước, nâng tổng số vi phạm tồn đọng từ những năm trước đến nay lên 13.099 vụ... Tính riêng vi phạm phát sinh từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Thường Tín chưa xử lý dứt điểm 56 vụ, huyện Phú Xuyên còn 14 vụ, huyện Ứng Hòa còn 8 vụ...

Thừa nhận tiến độ xử lý, giải tỏa công trình vi phạm pháp luật trên địa bàn còn chậm so với yêu cầu của thành phố, lãnh đạo các xã, thị trấn thuộc các huyện nêu trên cho rằng, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là nhiều công trình vi phạm được xây dựng từ trước khi Luật Thủy lợi ban hành. Nhiều tuyến kênh, đập hồ thủy lợi chưa được đo đạc, cắm mốc xác định phạm vi bảo vệ...

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 11-5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1400/UBND-KTN yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Theo đó, các quận, huyện, thị xã phối hợp doanh nghiệp thủy lợi thành phố và đơn vị liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật những vụ vi phạm tồn đọng, đặc biệt là vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, dòng chảy tiêu thoát; chỉ đạo UBND cấp xã nâng cao trách nhiệm trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, tránh để vi phạm đến mức khó xử lý. UBND thành phố cũng giao các sở, ngành liên quan rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý những trường hợp vượt thẩm quyền...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn "nóng" việc xâm phạm công trình thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.