Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Kim Nhuệ| 14/11/2022 07:28

(HNM) - Nhiều bất cập đã khiến hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm qua chưa cao, nhất là trong lĩnh vực phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật thủy lợi. Dù cơ quan thẩm quyền đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng một số địa phương chưa thể chặn đà gia tăng, chưa xử lý triệt để số vụ vi phạm pháp luật. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, các quận, huyện, thị xã để phát sinh 267 vụ vi phạm, mới xử lý 162 vụ, tồn đọng 105 vụ; trong đó chưa xử lý triệt để, để tồn đọng nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng các hồ thủy lợi như: Lập Thành (huyện Quốc Oai), Miễu (huyện Chương Mỹ), Đồng Đò (huyện Sóc Sơn)...

Nói về tình trạng trên, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố lý giải, công ty chỉ được giao nhiệm vụ phát hiện, lập biên bản, chuyển hồ sơ vi phạm đề nghị cấp xã, cấp huyện xử lý theo thẩm quyền... Phần lớn hồ thủy lợi của Hà Nội chưa được cắm mốc phân định địa giới hành chính, vùng phụ cận, phạm vi bảo vệ hồ hoặc chưa có đường quản lý riêng biệt... dẫn đến việc phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm khó khăn.

Trong khi đó, theo lãnh đạo các huyện: Thường Tín, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn, các doanh nghiệp thủy lợi chưa làm tốt trách nhiệm, chưa kịp thời phát hiện, chuyển hồ sơ... dẫn đến nhiều vi phạm phát triển đến mức vượt thẩm quyền, khó xử lý. Đơn cử như hồ Lập Thành (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai), trong tháng 10-2022 xảy ra 4 vụ xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ hồ nhưng đơn vị quản lý chưa kịp thời lập hồ sơ đề nghị các cấp thẩm quyền xử lý. Hạn chế trong công tác quản lý không chỉ dẫn tới phát sinh, tồn đọng nhiều vụ vi phạm mà còn giảm công năng và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.

Khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, ngày 27-10 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố. Theo quy định này, các tổ chức thủy lợi có trách nhiệm bố trí đầy đủ nhân lực, trang bị dụng cụ lao động, giao trách nhiệm cụ thể cho công nhân trong kiểm tra, phát hiện, phối hợp chính quyền cấp xã xử lý vi phạm, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định. Đặc biệt, quy định cũng nêu rõ, các tổ chức thủy lợi phải có trách nhiệm ghi nhật ký; cập nhật thông tin về vi phạm, sự cố... lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu công trình thủy lợi của thành phố để làm cơ sở xác định trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc, thanh toán chi phí quản lý, duy trì, vận hành...

Cùng với quy định trên, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đã xây dựng dự thảo Quyết định của UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi; đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, làm đường quản lý xung quanh các hồ thủy lợi trên địa bàn...

Thực hiện đồng bộ giải pháp nêu trên, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố sẽ chuyển biến tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.