(HNM) - Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy rõ hơn tính chất cấp bách, sự cần thiết của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Hơn hai năm đi vào thực hiện, Nghị quyết TƯ 4 đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Song, so với di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tế hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 đòi hỏi những bước tiến bộ mới.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ TƯ đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Người căn dặn: "Trong Đảng thực hiện dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình...".
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao yêu cầu phải thường xuyên làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, nhất là tự phê bình và phê bình. Trong cuốn "Đường cách mệnh" xuất bản năm 1927, Người đã viết: "Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh… Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy". Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đảng ta không phải trên trời sa xuống". Đảng cũng có thể mắc sai lầm, khuyết điểm. Người cho rằng, sở dĩ Đảng có sai lầm, khuyết điểm vì thực tiễn và lý luận còn kém, chế độ công tác chưa phù hợp, dân chủ chưa thật mở rộng và vì tự phê bình và phê bình chưa được phát huy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức đề cao tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người ví Đảng cần tự phê bình và phê bình như con người cần không khí. Không thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng, giống như người có bệnh mà giấu giếm, không dám uống thuốc, để lâu bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Người dạy: "Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có những khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn làm gương về tự phê bình và phê bình. Người đã không ngần ngại nói với đồng chí, đồng bào rằng: "Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng, những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi" (trong bài viết "Tự phê bình" của Người đăng trên Báo Cứu quốc năm 1946). Người thẳng thắn yêu cầu: "Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy lại lấy cớ "nể cụ" không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần mà không nói cho người ta sửa, tức là hại người".
Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với những lời dạy của Người về công tác xây dựng Đảng, đó là tài sản vô giá cần phải trân trọng và hết sức làm theo.
Ngày 16-1-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Với phương châm "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh", Đảng đã chỉ ra rằng: "Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ". Nghị quyết TƯ 4 ra đời khẳng định quyết tâm của TƯ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hơn hai năm qua, Nghị quyết TƯ 4 đã được triển khai thực hiện đến từng chi bộ. Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng. Thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên từ TƯ xuống cơ sở đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. TƯ Đảng đã thành lập lại Ban Nội chính TƯ và Ban Kinh tế TƯ; thành lập Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng; triển khai việc xây dựng quy hoạch BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; chỉ đạo tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tiết kiệm; Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ chủ chốt ở các cấp...
Nhiều cấp ủy địa phương, tiêu biểu là Đảng bộ Thủ đô Hà Nội đã quy định cụ thể về việc sử dụng xe công, hội họp, việc cưới, việc tang; quy định không uống rượu, bia buổi trưa trong các ngày làm việc; quy định chặt chẽ về việc đi công tác nước ngoài; rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện;... Hà Nội đi đầu thí điểm lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và một số cán bộ chủ chốt; đổi mới phong cách lãnh đạo, tập trung giải quyết những việc nóng, việc khó. Nhiều địa phương đổi mới công tác đánh giá, thi tuyển, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm đã bị xử lý kỷ luật. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện rộng khắp... Những kết quả bước đầu trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 đã góp phần tạo dựng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố sức mạnh đoàn kết trong Đảng.
Bên cạnh những chuyển biến rõ nét thì kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 4 vẫn được đánh giá là chưa đạt yêu cầu. Một mặt vì việc thực hiện nghị quyết là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Mặt khác, qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 đã xuất hiện những hạn chế. Kết quả kiểm tra của Bộ Chính trị tại các cấp ủy Đảng đã chỉ rõ: Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn biểu hiện khá rõ tình trạng nể nang, hữu khuynh, né tránh. Nhiều nơi chưa chỉ ra được thực chất, mức độ nghiêm trọng và địa chỉ cụ thể của tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm. Một số quy định, quy chế và đề án quan trọng để cụ thể hóa thực hiện nghị quyết còn chậm so với kế hoạch của Bộ Chính trị. Việc đề ra kế hoạch, các giải pháp để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm theo 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết TƯ 4 nêu ra của một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn chung chung, thiếu cụ thể. Nhiều nơi xây dựng kế hoạch sửa chữa khuyết điểm gần giống như kế hoạch của cấp trên. Việc sửa chữa, khắc phục khuyết điểm ở một số nơi còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự quyết liệt...
Đây là lý do cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 4 quyết liệt hơn để đạt kết quả cao hơn. Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, nhất là trách nhiệm mỗi đảng viên. Đó cũng là trọng trách đối với mỗi đảng viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng nhắn gửi: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.