Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt hơn, hiệu quả hơn

Chí Kiên| 17/04/2023 07:38

(HNM) - Trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, việc xử lý nghiêm minh các vi phạm của người tham gia giao thông là tiền đề quan trọng tăng tính răn đe, từ đó nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia giao thông văn minh và đúng pháp luật.

Vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông có thể bắt đầu từ câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là việc thực thi pháp luật qua 5 chuyên đề của Cảnh sát giao thông trên địa bàn cả nước. Cụ thể, 5 chuyên đề là: Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng, phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm; Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ; Vi phạm tốc độ; Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện.

Quá trình triển khai các chuyên đề, lực lượng chức năng đã đặt sự nghiêm minh làm đầu, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành. Trong quý I-2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 750.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng, tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn và tạm giữ gần 225.000 phương tiện các loại.

Trong các chuyên đề triển khai, việc xử lý “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận và quần chúng nhân dân. Việc lực lượng chức năng kiên quyết, kiên trì xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn không chỉ tạo ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông, mà còn góp phần làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng và từng bước hình thành văn hóa mà lâu nay chúng ta vẫn thường nhắc nhau là: “Đã uống rượu, bia là không lái xe”.

Tuy vậy, nhìn trên bình diện chung, những con số phản ánh về trật tự an toàn giao thông trong quý I-2023 cho dù đã giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông giảm 15,43%; số người chết giảm 15,23%; số người bị thương giảm 8,57%) so với cùng kỳ năm trước; thì những băn khoăn, lo lắng trong vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn đó. Bởi trong 2.346 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 3 tháng đầu năm, có 11 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân chủ yếu do lỗi người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành các quy định của pháp luật về tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe, không chú ý quan sát và phương tiện không bảo đảm an toàn theo quy định…

Bên cạnh một bộ phận người dân còn thiếu ý thức khi tham gia giao thông, không tuân thủ pháp luật, thì tình trạng mất an toàn giao thông còn có nguyên nhân từ những vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời, triệt để… Đáng nói, hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng. Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa…

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. Do đó, cùng với phát huy những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng và địa phương phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết, kiên trì thực hiện các giải pháp.

Với tinh thần này, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý I-2023 diễn ra chiều 6-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã nhấn mạnh, các lực lượng chức năng, trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình, “xử lý rất nghiêm các vi phạm và không chấp nhận sự can thiệp vào quá trình xử lý”.

Rõ ràng, sự nghiêm túc, trách nhiệm trong thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng chính là tiền đề quan trọng góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trong những tháng đầu năm nay. Từ kết quả này, bài học rút ra chính là tiếp tục xử lý thật nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, những người nắm vai trò thực thi pháp luật phải luôn nhất quán quan điểm “không chấp nhận sự can thiệp” với phương châm xử lý vi phạm là: “Không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Xét cho cùng, lực lượng thực thi pháp luật bảo đảm an toàn giao thông phải nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò của mình, để hành động hằng ngày, hằng giờ một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt hơn, hiệu quả hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.