(HNM) - Trước những hiện tượng cực đoan của thời tiết, Bộ NN&PTNT vừa họp khẩn cấp với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng bàn biện pháp hóa giải nắng nóng và sâu bệnh gây hại lúa xuân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nguy cơ mất mùa dễ xảy ra nếu các địa phương không có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt và kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Tiềm ẩn nguy cơ mất mùa
Do nguồn nước dồi dào, thuận lợi, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng đã gieo hơn 50 nghìn hécta mạ, trong đó: trà mạ xuân sớm gieo trong tháng 12-2009 khoảng 7000 hécta (chiếm 15%), mạ xuân muộn khoảng 43 nghìn hécta (chiếm 85%), đủ lượng để cấy hết toàn bộ diện tích. Đến thời điểm này, các địa phương đã cấy được trên 40% diện tích lúa xuân (hơn 200 nghìn hécta). Mặc dù thời tiết xảy ra rét, nhưng trước Tết Nguyên đán lại ấm nóng nên mạ và lúa mới cấy bén rễ và sinh trưởng rất nhanh. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn TƯ đưa ra cảnh báo, vụ xuân năm nay nền nhiệt độ sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, phổ biến từ 6-7oC. Dự báo những ngày cuối tháng 2 đến hết tháng 4, nền nhiệt độ tiếp tục tăng ở mức cao. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng sớm ngay từ đầu tháng 3. Điều đáng nói, lượng mưa năm nay thấp hơn mức trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-50% nên tình trạng khô hạn sẽ xảy ra ở nhiều nơi. Hiện tượng xuất hiện những đợt nắng nóng sẽ làm cho diện tích lúa xuân sớm cấy trước ngày 15-1 và xuân muộn cấy trước ngày 31-1 có thể trỗ sớm vào nửa cuối tháng 4 dễ bị lép hạt, giảm năng suất lúa. Đặc biệt, nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát sinh, gây hại cho cây trồng, nhất là nhóm rầy hại lúa và bệnh virút lúa lùn sọc đen do rầy lưng trắng là môi giới gây bệnh vàng lùn tạo nên. Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bùi Sỹ Doanh cảnh báo, các bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn khả năng nhiễm sẽ cao hơn vụ xuân năm trước. Hiện bệnh lùn sọc đen và lùn xoắn lá đang gây hại trên mạ tại các tỉnh, thành phố như Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… Theo kết quả kiểm tra lấy mẫu mạ gieo ở một số địa phương cho thấy, các mẫu đều âm tính với virút lùn sọc đen. Trong thời gian tới, virút này khả năng bùng phát ở lúa xuân trên diện rộng, đại trà và mật độ rất cao.
Vụ lúa xuân ở các tỉnh miền Bắc nguy cơ đối mặt với hạn hán, nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm, sâu bệnh gây hại trên đại trà. Trong khi đó, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn diện tích lúa ở thời kỳ đẻ nhánh đến đòng trỗ đang đối mặt với lứa rầy nâu (ở tuổi từ 2-4) nở rộ và có khả năng gây cháy rầy. Ngoài ra, thời tiết lạnh ban đêm và sương mù vào sáng sớm như hiện nay rất dễ phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông cũng như đạo ôn trên lá, tốc độ lây lan của bệnh đạo ôn rất nhanh, có khả năng gây thiệt hại trên diện rộng. |
Quyết liệt hóa giải
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, khung thời vụ gieo cấy lúa xuân ở miền Bắc còn dài, theo dự báo thời tiết nắng nóng rất dễ phát sinh sâu bệnh ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân. Bộ trưởng gay gắt yêu cầu các địa phương chỉ đạo nông dân không dùng mạ già tuổi từ 5 lá trở lên để cấy, nếu thiếu mạ có thể gieo mạ bổ sung hoặc gieo thẳng. Khung thời vụ đối với lúa gieo thẳng có thể kéo dài đến ngày 20-2, kết thúc vụ gieo cấy vào ngày 5-3. Đối với diện tích mạ đã gieo, lúa đã cấy, phải tiến hành kiểm kê, phân loại tập trung chăm bón, tưới dưỡng để lúa đẻ nhánh, cứng cây, thời gian lúa trỗ sau ngày 24-4 là an toàn nhất. Liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh do nắng nóng gây nên, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương chỉ đạo nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa và sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt lưu ý rầy lưng trắng gây bệnh lùn sọc đen hại lúa. Với những diện tích chưa cấy phải vệ sinh đồng ruộng, đốt hoặc chôn vùi lúa chét và cây trồng vụ đông còn sót, tuyệt đối không được cấy mạ bị nhiễm bệnh. Theo ông Doanh, nếu các địa phương trang bị tốt hệ thống bẫy đèn và theo dõi chặt chẽ rầy di trú, phòng trừ môi giới truyền bệnh và thực hiện tốt "4 đúng" (phun thuốc đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách) sẽ kiểm soát và khống chế được dịch bệnh. Cũng tại cuộc họp, vấn đề bón phân và nguồn nước tưới cho lúa xuân được nhiều đơn vị và địa phương đề cập đến trước những biến đổi dị thường của thời tiết. Ông Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo, thời tiết nắng nóng, nông dân không nên bón nhiều đạm, làm lúa sinh trưởng mất cân đối, nên bón vừa đủ để lúa trỗ từ 24-4 đến 5-5 là tốt nhất. Một số địa phương khác băn khoăn, liệu nguồn nước tưới dưỡng có đủ để cây lúa phát triển trong thời kỳ sinh trưởng, bởi dự báo năm nay là năm đại hạn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.