Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết không nhượng bộ

Đình Hiệp| 14/05/2016 07:19

(HNM) - Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls đã

Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.


Dù không ngừng gây sức ép nhưng phe cánh hữu đã không thể đánh bại Chính phủ đương nhiệm vì không giành được số phiếu quá bán tại Quốc hội. Chỉ với 246 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, kém xa số phiếu ít nhất là 288 cần có để cánh hữu đối lập có thể "trừng phạt" Chính phủ của Thủ tướng M.Valls. Lý do cánh hữu có được cuộc bỏ phiếu là do Chính phủ đương nhiệm đã "vượt mặt" Quốc hội khi sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua Dự luật cải cách lao động đang gây tranh cãi tại Pháp.

Trước cuộc bỏ phiếu, nhiều chuyên gia nhận định Chính phủ của Thủ tướng M.Valls bị bãi nhiệm là rất thấp, thậm chí gần như không thể khi các nghị sĩ ủng hộ trừng phạt không đạt con số 288. Cuộc "trắc nhiệm" bất thành của phe đối lập với Chính phủ của Thủ tướng M.Valls đồng nghĩa với Dự luật cải cách lao động đang gây tranh cãi đã vượt qua vòng "Quốc hội", sẽ được chuyển lên xem xét tại Thượng viện và gần như chắc chắn sẽ sớm được ban hành. Dự luật sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% của đất nước hình Lục lăng.

Tổng thống Francois Hollande, người từng tuyên bố chỉ có thể xem xét tham gia tái tranh cử vào năm 2017 nếu ông giải quyết được tỷ lệ thất nghiệp, hy vọng Dự luật cải cách lao động sẽ khuyến khích các công ty tuyển nhân công. Thế nhưng, những người phản đối cho rằng dự luật mới quá ưu ái giới chủ và điều đó gây phản ứng trong nội bộ đảng Xã hội cầm quyền, các tổ chức công đoàn và làm gia tăng căng thẳng tại quốc gia vốn quen với chế độ an sinh việc làm ở mức cao như Pháp.

Với quyết định tận dụng "cơ hội" từ Hiến pháp, Tổng thống F.Hollande có thể ký ban hành Dự luật sớm nhất mà không cần Quốc hội thông qua. Trước đó, điều khoản này đã từng một lần được sử dụng cũng trong nhiệm kỳ của Tổng thống F.Hollande để ban hành Dự luật cải cách kinh tế. Tranh cãi trên chính trường Pháp xung quanh Dự luật cải cách lao động diễn ra vào thời điểm Tổng thống F.Hollande vừa tròn 4 năm nhiệm kỳ. 4 năm qua, dù nền kinh tế Pháp đã dần cải thiện, nhưng với các đảng đối lập và người dân nói chung, "thành tích" của Tổng thống F.Hollande chưa thực sự ấn tượng khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, sức cạnh tranh sa sút, thậm chí Pháp còn bị tụt lại phía sau so với nhiều nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Điều khiến nhiều người Pháp quan tâm hiện nay là liệu người lao động có thể lật ngược tình thế, buộc Chính phủ của Thủ tướng M.Valls phải rút lại, thậm chí từ bỏ Dự luật cải cách lao động gây tranh cãi này. Bởi, ngay trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đêm 12-5, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn nước Pháp phản đối quyết định của Chính phủ. Đây là thách thức an ninh lớn với Chính phủ của Thủ tướng M.Valls trong bối cảnh đảng Xã hội cầm quyền ngày càng mâu thuẫn và chủ nghĩa khủng bố chưa thôi rình rập nước Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết không nhượng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.