(HNM) - 5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức Hà Nội đã triển khai thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ và đạt được nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo dựng những nền tảng mới để có bước phát triển bứt phá.
Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất với toàn bộ tỉnh Hà Tây, một phần của hai tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình là sự kiện có ý nghĩa chiến lược và tầm vóc lịch sử, tiền đề cho sự phát triển trong tiến trình ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội. Sau mở rộng, Thủ đô Hà Nội có diện tích 334.470,02ha, dân số 6.232.940 người với 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội phải trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề nội tại để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức bộ máy, đồng bộ về hệ thống cơ chế, chính sách, xây dựng và phát triển quy hoạch theo hướng bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn do thiên tai, những ảnh hưởng xấu, tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu tới nền kinh tế Thủ đô.
Để triển khai thực hiện tốt chủ trương mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã nỗ lực đồng thuận khắc phục khó khăn với tinh thần "đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm". Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương và các địa phương, thành phố đã chủ động, sáng tạo và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, ưu tiên giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bức xúc nhất, nóng bỏng nhất, liên quan trực tiếp đến người dân; nâng cao tính trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với những chủ trương, chính sách của thành phố.
Hệ thống cầu vượt được đưa vào sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại. Ảnh: Huy Hùng |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố đã thu được những kết quả rất quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, củng cố an ninh - quốc phòng, mở rộng hợp tác, hội nhập và phát triển, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng của thành phố trong giai đoạn 2008-2012 bình quân đạt 9,51%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 1.697 USD/người). Hà Nội vẫn giữ được vị trí đầu tàu với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
Thu ngân sách giai đoạn 2008-2012 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân đạt 106.880 tỷ đồng/năm (tăng trung bình 19,2%/năm). Nếu chỉ tính riêng năm 2012, với dân số chiếm 7,84%, thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển 19,73% thu ngân sách và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Hà Nội hiện có số lượng doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; đứng thứ ba về số các dự án còn hiệu lực (2.544 dự án), với tổng vốn đăng ký là hơn 21,45 tỷ USD và vốn điều lệ là hơn 7,72 tỷ USD. Thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng, thị trường bán buôn, bán lẻ và xuất nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của cả nước; đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.
5 năm sau ngày mở rộng địa giới hành chính, diện mạo đô thị của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt ở khu vực ngoại thành đã có nhiều thay đổi với các công trình điện, đường, trường, trạm khang trang. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng xa trung tâm. Giai đoạn 2008-2012, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố mỗi năm giảm 1,5-2%; đến cuối năm 2012 còn 3,55% với 59.365 hộ. Trung bình mỗi năm, Hà Nội có trên 2 vạn hộ dân thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 133 nghìn lượt lao động. Hiện thành phố đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 70% số xã, phường, thị trấn của thành phố đạt chuẩn quốc gia về y tế; 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nội thành đã được thu gom và xử lý...
Nhiều công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được hoàn thành như đường Láng - Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao. Thành phố cũng đã huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại, hợp tác và liên kết phát triển của thành phố cũng tiếp tục được mở rộng và phát huy hiệu quả. Hàng nghìn doanh nghiệp của Hà Nội đang trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu tới 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, thành phố đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới…
Phải khẳng định rằng, sau 5 năm, Thủ đô đã được mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, các nguồn lực được khai thác và phối hợp hiệu quả. Thực tế đó là minh chứng khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Trong suốt quá trình dựng xây và phát triển, Hà Nội - Thủ đô, trái tim của muôn người dân đất Việt luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Những tầm nhìn chiến lược cùng các cơ sở pháp lý cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt nhằm tạo ra cơ chế phù hợp đối với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô, phục vụ sự nghiệp chung của cả nước đã và đang được hoàn thiện. Đó là Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, sau hơn 3 năm chuẩn bị nghiêm túc, công phu, Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực: Quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai; kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội. Việc HĐND thành phố vừa thông qua 11 nghị quyết về một số vấn đề cụ thể hóa Luật Thủ đô có thể coi là điểm mốc quan trọng đầu tiên của Hà Nội trong lộ trình triển khai đưa Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, vừa giúp cho thành phố phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ với thành phố trong quá trình phát triển.
5 năm đã qua là chặng đường ghi dấu ấn quan trọng trong dòng chảy lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Với sự phát triển toàn diện, đồng bộ, Hà Nội đã có thêm những cơ sở pháp lý và những điều kiện thuận lợi, tạo thế và lực để Hà Nội bước lên tầm cao mới. Với kinh nghiệm của 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, bằng tinh thần nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng và ý chí vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng Hà Nội sẽ thực hiện thành công Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, kiến tạo lịch sử mới trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.