Nghề truyền thống dát vàng, bạc, quỳ xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) từ hơn 300 năm trước. Phát huy thế mạnh, làng nghề đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung (xã Kiêu Kỵ) cho biết: Làng nghề có Hợp tác xã công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ và 13 tổ hợp tác với 60 hộ cá thể tham gia. Hội tụ được những thợ giỏi, Hợp tác xã đã và đang có nhiều người được công nhận là nghệ nhân.
Tiêu biểu là chị Hoàng Thị Anh, với lòng nhiệt huyết và niềm đam mê cống hiến cho nghề, cuối năm 2021, chị được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội về dát vàng, bạc quỳ và sơn thếp vàng mỹ nghệ. Chị đã tạo ra một số sản phẩm ý nghĩa, được làm bằng đồng và dát vàng 24k bên ngoài, giúp tăng thêm giá trị, như: Tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, bát sen, trống đồng, chậu lan và điếu cày dát vàng.
Điển hình sản phẩm Bát sen dát vàng - hoa sen là biểu tượng của sự hoàn hảo, sống trong bùn đen nhưng luôn giữ được sự thuần khiết, thể hiện khát vọng vươn dậy mạnh mẽ, một ý chí sống mãnh liệt. Bát sen dát vàng còn mang ý nghĩa phong thủy, cầu chúc cho gia chủ được giàu có, may mắn. Hay như sản phẩm Trống đồng dát vàng - là biểu tượng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Sản phẩm có thể để treo trong nhà, tại phòng làm việc, phòng họp cơ quan, giúp tăng tính thẩm mỹ, mang lại phong thủy tốt và giữ gìn truyền thống.
Đáng chú ý, từ năm 2020 đến 2023, Hợp tác xã công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ đăng ký 5 sản phẩm dát vàng tiêu biểu của nghệ nhân Hoàng Thị Anh tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, các sản phẩm tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, bát sen, trống đồng, chậu lan dát vàng đạt OCOP 4 sao, sản phẩm Điếu cày dát vàng đạt OCOP 3 sao.
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung thông tin thêm: Ngoài 5 sản phẩm đạt OCOP của nghệ nhân Hoàng Thị Anh, xã còn có 4 sản phẩm dát vàng đạt OCOP 4 sao của các nghệ nhân khác.
Hiện nay, Kiêu Kỵ là làng nghề duy nhất trong cả nước làm vàng quỳ, bạc quỳ cung cấp cho các bạn hàng trong xây dựng, trang trí các đình, đền, chùa, nhà thờ và là nguyên liệu sử dụng trong nghệ thuật điêu khắc, hội họa. Nhiều công trình kiến trúc quốc gia nổi tiếng trong cả nước có dấu ấn của các nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ, góp phần mang đến sự sang trọng và uy nghiêm cho các công trình.
Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, những năm gần đây, người dân Kiêu Kỵ đã tìm ra hướng đi mới, đó là kết hợp dát vàng với những sản phẩm của các làng nghề khác như: Gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, tạc tượng Vũ Lăng... giúp làm tăng giá trị sản phẩm của các làng nghề và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Hợp tác xã công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ và những nghệ nhân, thợ nghề ở xã không chỉ gìn giữ được truyền thống làng nghề, mà còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời, từng bước khẳng định thương hiệu dát quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.