Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy mô học sinh đầu cấp ở Hà Nội tăng mạnh: Quyết tâm đáp ứng nguyện vọng học tập

Thống Nhất| 30/03/2023 06:04

(HNM) - Vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội, nhất là với phụ huynh học sinh trong độ tuổi chuyển cấp hiện nay, là quy mô học sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 tăng mạnh so với năm học 2022-2023. Trong đó, số học sinh vào lớp 6 tăng mạnh nhất với khoảng 38.800 em. Thực tế này đặt ra bài toán giải quyết chỗ học cũng như các điều kiện về trang thiết bị, đội ngũ giáo viên. Với quyết tâm đáp ứng đủ nguyện vọng học tập, ngành Giáo dục Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó, hạn chế

Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang

Gia tăng học sinh cục bộ

Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có 2.840 trường mầm non, phổ thông; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với gần 2,2 triệu học sinh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mạng lưới trường học đến nay đã cơ bản đáp ứng được mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học công lập, 1 trường trung học cơ sở công lập, bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, với vị thế là Thủ đô, năm nào Hà Nội cũng đối mặt với việc tăng dân số cơ học, kéo theo sự gia tăng về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh. Thống kê sơ bộ mới nhất từ các quận, huyện, thị xã cho thấy, năm học 2023-2024, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng so với năm học 2022-2023. Trong đó, số học sinh vào lớp 6 tăng mạnh nhất với khoảng 38.800 em; số học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em. Tình trạng gia tăng diễn ra cục bộ ở những địa bàn đông dân cư, nơi có nhiều khu đô thị hoặc khu công nghiệp.

Sự gia tăng cục bộ về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh đang đặt ra nhiều thách thức với ngành Giáo dục Hà Nội. Bởi, trong khi theo quy định của ngành Giáo dục, trường tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp; trường trung học cơ sở có không quá 45 học sinh/lớp, thì hiện nay, một số trường ở khu vực các quận như Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông..., nhiều lớp học có sĩ số trên dưới 50 học sinh/lớp, thậm chí có lớp 60 học sinh/lớp.

Bà Trần Thị Anh, phụ huynh học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) bày tỏ: "Tôi rất lo việc các con vào lớp 6 sẽ phải học chen chúc trong lớp quá đông khiến chất lượng học tập bị ảnh hưởng".

Cơ sở vật chất khang trang của Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh) góp phần đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều giải pháp ứng phó

Dù luôn đứng trước áp lực tăng số lượng học sinh hằng năm, nhưng thành phố Hà Nội vẫn kiên trì chủ trương bảo đảm nguyện vọng học tập của học sinh các độ tuổi.

Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của quận Hà Đông dự kiến sẽ phát triển mạnh và lớn nhất thành phố với 117.000 học sinh mầm non, phổ thông. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, số học sinh trong độ tuổi vào lớp 6 dự kiến tăng hơn 5.000 em. Để chuẩn bị cho năm học mới, quận đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường trung học cơ sở, đồng thời tăng cường rà soát, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và tiếp tục xây dựng thêm phòng học, trường học mới. Quận Hà Đông đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các trường ngoài công lập phát triển và hoạt động có chất lượng tốt, từ đó góp phần giải quyết áp lực về số học sinh tăng nhanh.

Là một huyện khá xa trung tâm, năm học 2023-2024, huyện Mê Linh cũng dự báo có số lượng học sinh vào các lớp đầu cấp (mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6) tăng khoảng 1.900 em. Trong đó, số học sinh vào lớp 6 tăng nhiều nhất là 1.200 em, tiếp đến là học sinh vào lớp 1 tăng 400 em, cấp mầm non tăng 300 em. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin, dù quy mô các lớp đầu cấp đều tăng, song huyện Mê Linh không gặp nhiều áp lực bởi số học sinh tăng trải đều ở các trường. Toàn huyện hiện có 20 trường trung học cơ sở, điều kiện cơ sở vật chất, số phòng học hiện có cơ bản bảo đảm đáp ứng chỗ học cho học sinh lớp 6 năm học tới. Một trong những giải pháp trọng tâm của huyện hiện nay là tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 7 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn của toàn huyện lên 77% vào cuối năm 2023.

Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về trường, lớp học khi số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh tăng, Hà Nội cũng đang nỗ lực tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo rà soát, căn cứ định mức cụ thể về số lượng giáo viên từng môn học theo quy định để tham mưu chính quyền địa phương xây dựng chỉ tiêu biên chế giáo viên và tổ chức tuyển dụng. Bên cạnh đó, các nhà trường được ký hợp đồng giáo viên theo quy định mới tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Để đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng giảng dạy, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Các đơn vị cũng cần tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư xây dựng bổ sung trường, phòng học; rà soát chính xác số học sinh trong độ tuổi và tổ chức phân tuyến hợp lý, không để học sinh nào không có chỗ học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy mô học sinh đầu cấp ở Hà Nội tăng mạnh: Quyết tâm đáp ứng nguyện vọng học tập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.