PGS, TS Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đã phát biểu tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 21-11.
Quy hoạch phát triển Thủ đô theo chiều sâu với sự kết hợp của các loại hình đô thị
PGS, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, công tác quy hoạch phát triển Thủ đô thời gian tới cần tập trung giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng với bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa và nâng cao năng lực ứng phó với những rủi ro của đô thị.
Với diện tích gần 3,4 nghìn km2 và dân số gần 9 triệu người, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương đông dân thứ hai cả nước. Dù có mật độ dân số cao nhưng dân số phân bổ không đồng đều, tập trung vào phần lõi của đô thị trong khi ở các vùng ngoại vi, mật độ dân số thưa thớt hơn đi kèm với các hoạt động kinh tế - xã hội kém hơn. Gần đây, những vấn đề về thiếu hụt trường học, bệnh viện, công viên hay ngập khi mưa, ùn ứ rác thải khiến cho cuộc sống của người dân cũng như hình ảnh của một đô thị văn minh hiện đại bị ảnh hưởng.
“Do vậy, phát triển đô thị của Hà Nội thời gian tới nên lựa chọn phương án phát triển theo chiều sâu. Đô thị có thể được phân thành nhiều loại, tồn tại song hành hoặc phát triển tiếp nối nhau như đô thị tích hợp, đô thị sinh thái và đô thị nén”, PGS, TS Nguyễn Đức Kiên gợi mở.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, phát triển Thủ đô Hà Nội cần quan tâm tới sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng như sinh kế, sức khỏe, giáo dục, an toàn; bảo đảm môi trường sống tốt, bao gồm không khí, nguồn nước, chất thải; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội; tăng cường sự tham gia của người dân đối với các vấn đề lớn của đô thị...
Chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội của Thủ đô
Cũng như các đô thị lâu đời trên thế giới, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều di tích, di sản. Ngoài số lượng lớn các đình, đền, chùa, còn có những nơi rất dân dã như cổng làng, cây đa…Việc duy trì những nơi này không chỉ gìn giữ khí chất linh thiêng của một đô thị ngàn năm văn hiến đang chuyển mình, mà còn tạo ra cảm giác gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên và tinh thần của người dân Hà Nội.
Sự phổ biến của các phương tiện giao thông cũng là một yếu tố tạo nên bản sắc của đô thị. Đặc điểm của các con đường nhỏ, ngõ hẹp và cuộc sống tấp nập, nhộn nhịp đã tạo nên văn hóa xe máy của Hà Nội. Đặc điểm kết cấu hạ tầng giao thông khu vực lõi của Thủ đô đề cao tính cơ động và trong bối cảnh các phương tiện giao thông công cộng chưa hoàn thiện thì vẫn nên duy trì xe máy. Vấn đề ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do xe máy gây ra cần được xử lý thông qua việc bố trí vị trí các cơ quan, trường học, nhà máy cũng như giờ làm việc, học tập cho phù hợp và quan trọng hơn cả là nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và quản lý dân số đô thị.
Tại các đô thị nén ở vòng ngoài, giao thông công cộng cần được ưu tiên phát triển từ sớm, tăng tính kết nối giữa các địa điểm trung tâm trong đô thị và với các đô thị xung quanh. Ở các đô thị sinh thái, cần ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch và đề cao hiệu quả sử dụng năng lượng...
Để gìn giữ được những bản sắc văn hóa, xã hội riêng có của Hà Nội, cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong công việc quy hoạch đô thị; có cơ chế phù hợp để cộng đồng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề sát thực nhất với cuộc sống hằng ngày ngay từ khâu xây dựng quy hoạch.
PGS, TS Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, tình trạng đô thị hóa nhanh chóng, với sự tích tụ nhiều người và các hoạt động kinh tế - xã hội trong những không gian nhỏ hẹp khiến các đô thị trở nên dễ bị tổn thương hơn trước, đòi hỏi một cách tiếp cận đầy đủ hơn với công tác quản lý các rủi ro đô thị. Đây phải là một yếu tố cần có trong chính sách công của đô thị, đặc biệt là trong công tác quy hoạch đô thị và môi trường. Chính quyền cần tăng cường quản trị các rủi ro này thông qua việc kiểm soát các hoạt động được phân loại vào nhóm nguy hiểm, phát triển các năng lực dự phòng và ứng phó với rủi ro dựa vào sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến cũng như hạn chế rủi ro thông qua công tác quy hoạch các vị trí, hoạt động tiềm ẩn rủi ro...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.