Quy hoạch

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Yêu cầu chất lượng đặt lên trên hết!

Bảo Hân 19/11/2023 - 11:41

Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã bước vào giai đoạn quan trọng. Mỗi công đoạn được thực hiện khoa học, khẩn trương, bảo đảm công phu, kỹ lưỡng. Ngày 21-11 tới đây, Thành ủy - HĐND- UBND thành phố sẽ tổ chức hội thảo khoa học về một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch.

tdhn.jpeg
Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô là việc lớn, việc khó, việc mới, chưa có tiền lệ.
Ảnh minh họa.

Nhiệm vụ hoàn toàn mới, trọng trách nặng nề

Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt ngày 7-3-2022. Đây là dấu mốc quan trọng khi đã có “đầu bài” để thành phố tập trung chỉ đạo triển khai việc lập, thẩm định, phê duyệt Đồ án theo quy định của Chính phủ.

“Quy hoạch Thủ đô được thực hiện theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau. Do đó, nhiệm vụ lập Quy hoạch được coi như dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm của Chính phủ với nhiều yêu cầu đổi mới trong công tác quy hoạch, quyết tâm tạo sức bật mới cho Thủ đô”. PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Hà Nội đã chủ động triển khai đồng thời, đồng bộ các bước, rút gọn quy trình thủ tục nhưng vẫn bảo đảm quy định. Thành phố đã liên hệ, mời các chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn, hướng dẫn cơ quan lập quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Liên quan đến việc lựa chọn đơn vị tư vấn, đầu tháng 5-2023, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã thẩm định, đánh giá hồ sơ dự thầu và ký hợp đồng với liên danh nhà thầu tham gia gồm 7 đơn vị, là các viện nghiên cứu đầu ngành, các trường đại học, các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành.

Lập Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó, lại phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là có sự quyết tâm rất lớn từ chính quyền thành phố.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

"Thành phố luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng nên chỉ trong thời gian ngắn, liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn cho phát triển Thủ đô”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn cho biết.

Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô do Liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị có thuận lợi bởi sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều người đã tham gia với tâm thế coi đây là cơ hội để đóng góp trí tuệ, hiểu biết, tâm tư, trăn trở của mình vào sự phát triển của Thủ đô. Mỗi người đều coi đây vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là vinh dự được cống hiến để tạo ra sự kết tinh, đột phá và phát triển.

Nội dung quy hoạch Thủ đô Hà Nội gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quá trình hoàn thiện công phu, kỹ lưỡng

“Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô đã được thực hiện hết sức khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ đề ra, đó thực sự là một quá trình công phu và kỹ lưỡng”, TS Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh.

Kể từ khi được giao nhiệm vụ vào tháng 4-2022, Viện đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong triển khai các công việc như: Tham mưu UBND thành phố ban hành các Kế hoạch lập Quy hoạch, phân công các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chuẩn bị các nội dung phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô; tổ chức các Đoàn công tác đi khảo sát học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tỉnh tại các tỉnh, thành phố; tham mưu UBND thành phố xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô và được thông qua tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII. Đề cương là cơ sở để lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, trong suốt 22 tháng triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, Viện đã cùng các đơn vị tư vấn tham mưu UBND thành phố tổ chức và chủ trì hàng trăm buổi hội thảo, tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị thành phố.

Trong đó có chuỗi gần 20 buổi hội thảo, làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các nội dung tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa bàn do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải chủ trì. Trong quá trình triển khai công tác lập Quy hoạch, các sở, ngành, quận, huyện cũng đã rất chủ động trong việc phối hợp với Viện, với các tư vấn chuẩn bị 68 nội dung đề xuất của ngành, lĩnh vực, địa phương.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô đã được thực hiện hết sức khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ đề ra, song đó thực sự là một quá trình công phu và kỹ lưỡng.

TS Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

“Chính nhờ sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã, nên cho đến hôm nay, mặc dù thời gian chưa nhiều, nhưng đã có được sản phẩm là dự thảo Báo cáo tổng hợp quy hoạch Thủ đô với dung lượng hơn 1.000 trang, với nội dung đáp ứng theo hướng dẫn của Luật Quy hoạch năm 2017”, TS Lê Ngọc Anh khẳng định.

Trong tháng 11- 2023, dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đưa ra xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo kế hoạch, việc tiếp nhận các góp ý nhằm hoàn thiện nội dung quy hoạch được thực hiện trong tháng 11-2023 để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

anh-2.jpeg
Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra ngày 29-9.

Dự kiến ngày 21-11, một hội thảo khoa học tầm cỡ, được chuẩn bị công phu sẽ được Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch Thủ đô; đồng thời làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền, tạo sự thống nhất, giúp các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu về Quy hoạch Thủ đô.

Khắc phục tối đa khó khăn để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đang tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các bước quan trọng của công tác lập quy hoạch dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. “Quá trình thực hiện đang được Viện và các đơn vị tư vấn bám sát từng hạng mục, từng ngày, từng tháng với tinh thần khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ nhưng không lơ là chất lượng. Yêu cầu chất lượng luôn được đặt lên trên hết”, TS Lê Ngọc Anh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Yêu cầu chất lượng đặt lên trên hết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.