Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: Không gian đô thị chủ yếu là công trình thấp tầng

Dạ Khánh| 19/03/2021 18:47

(HNMO) - 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử H1-1 (A,B,C), H1-2, H1-3, H1-4 thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất, dự kiến được UBND thành phố phê duyệt trong tháng 3-2021.

Đây sẽ là công cụ để thành phố kiểm soát việc phát triển và quản lý đô thị. Đáng chú ý, việc tổ chức không gian kiến trúc, các chức năng sử dụng đất sẽ được tổ chức, sắp xếp lại nhằm đạt chỉ tiêu đô thị phát triển theo hướng bền vững.

7 tiểu phân khu kiểm soát phát triển.

Kiểm soát dân số khu vực nội đô

Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.0000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Theo đó, giải pháp kiểm soát dân số được đưa ra là: Giảm dân cơ học theo việc di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, cơ quan trung ương, trường đại học... ra khỏi khu vực nội đô lịch sử; đẩy nhanh công tác xây dựng phát triển các khu vực ngoài nội đô lịch sử, tập trung nguồn lực cho phát triển bên ngoài, như: Đầu tư xây dựng phát triển các khu đô thị mở rộng phía Đông Vành đai 4, phía Bắc sông Hồng và các đô thị vệ tinh; xây dựng các khu vực tái định cư, nhà ở xã hội để phục vụ công tác giãn dân cho khu vực nội đô lịch sử.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, định hướng chính của các quy hoạch phân khu là bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; cải tạo các không gian ở hiện có; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ; phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích; hình thành hành lang xanh, không gian công cộng dọc theo sông Hồng; phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm.

Trong đó, định hướng diện tích đất trụ sở bộ, ngành; bệnh viện, trường học, cơ sở công nghiệp (khoảng 176,21ha) sau khi di dời sẽ được ưu tiên bố trí cho chức năng công cộng, hạ tầng xã hội còn thiếu: Trường học, cây xanh, bãi đỗ xe...

Các chức năng sử dụng đất chính

Nhằm hướng tới phát triển đô thị bền vững, trong tổng số 2.700ha đất của khu vực nội đô lịch sử, thành phố sẽ dành khoảng 247,14ha diện tích đất cho phát triển công viên, vườn hoa, sân chơi, mặt nước, quảng trường, đường dạo; khu vui chơi giải trí, sân bãi tập luyện thể dục thể thao... (đạt chỉ tiêu 3,82m2/người).

284,54ha được bố trí dành cho các chức năng thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng; công trình dịch vụ công cộng khác (bể bơi, thư viện, bảo tàng, rạp xiếc, rạp chiếu phim, rạp hát...) được tổ chức thành các trung tâm để phục vụ các nhu cầu chung của thành phố (đạt chỉ tiêu 4,39m2/người).

Đất dành cho giao thông đô thị là khoảng 471,22ha (đạt chỉ tiêu 7,28m2/người), bao gồm đường trục chính đô thị, đường chính đô thị, đường liên khu vực, quảng trường, ga, đường sắt đô thị, bến - bãi đỗ xe. Đất dành cho trường trung học phổ thông là 18,34ha (tỷ lệ 0,7%), đạt chỉ tiêu 0,28m2/người, tương ứng 7,1m2/học sinh.

Khoảng 1.343,35ha đất được bố trí là đất đơn vị ở (đạt chỉ tiêu 20,72m2/người). Trong đó, đất công cộng đơn vị ở khoảng 22,02ha, đạt chỉ tiêu 0,34m2/người. Đây là đất xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thường xuyên và hằng ngày cho dân cư trong đơn vị ở, gồm: Chợ, siêu thị, cửa hàng, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, trụ sở quản lý hành chính đơn vị ở (tương đương cấp phường). Đất cây xanh đơn vị ở là khoảng 34,61ha, đạt chỉ tiêu 0,53m2/người, gồm công viên, vườn hoa, sân chơi, không gian hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời... phục vụ nhân dân trong đơn vị ở.

Đất dành cho trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non là khoảng 78,81ha, đạt chỉ tiêu 1,22m2/người; gồm đất trường mầm non khoảng 22,76ha, đạt chỉ tiêu 0,35m2/người, tương ứng 7m2/học sinh; đất trường tiểu học khoảng 27,36ha, đạt chỉ tiêu 0,42m2/người, tương ứng khoảng 6,5m2/học sinh; đất trường trung học cơ sở khoảng 28,69ha, đạt chỉ tiêu 0,44m2/người, tương ứng 8,1m2/học sinh. Đất nhóm nhà ở là khoảng 1.015,22ha (đạt chỉ tiêu 15,7m2/người), bao gồm tổ hợp các công trình nhà ở có không gian sử dụng chung (vườn hoa, sân chơi, bãi đỗ xe...) phục vụ nhóm nhà ở và đường nội bộ...

Định hướng quy hoạch bãi đỗ xe tại quy hoạch phân khu nội đô lịch sử.

Không gian đô thị chủ yếu là công trình thấp tầng

Về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, đồ án xác định cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở, từ đó phát triển tiếp hệ thống lõi không gian đến các đơn vị ở hay ô quy hoạch nhỏ hơn. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc công trình cao tầng được ban hành. Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung tiện ích đô thị như cây xanh, bãi đỗ xe...

Về khung cấu trúc đô thị: Khu vực phố cổ tầng cao đặc trưng là 3-4 tầng (chiều cao 12-16m); khu vực hồ Gươm và phụ cận tầng cao đặc trưng trên các tuyến phố xung quanh hồ Gươm không quá 16m. Khu vực phố cũ tầng cao đặc trưng 4-6 tầng (16-22m). Khu vực hạn chế phát triển tầng cao đặc trưng là 5-7 tầng (20-25m).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: Không gian đô thị chủ yếu là công trình thấp tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.