Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Tạo diện mạo mới cho Thủ đô

Dạ Khánh| 30/09/2021 06:06

(HNM) - Có lẽ chưa một đồ án quy hoạch phân khu nào trên địa bàn Hà Nội lại có sức thu hút dư luận đặc biệt như Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2021 sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô...

Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2021 sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô. Ảnh: Ngọc Thành

Giấc mơ thành phố bên sông

Nhắc tới sông Hồng đoạn qua địa bàn Hà Nội, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến chia sẻ, hầu như mỗi lần lập hay điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội cũng đều bàn tới trục hành lang sông Hồng. Song, làm sao để hiện thực hóa thì vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Còn theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng là một trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch sông Hồng nhưng đều không thành công chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ... “Hiện nay, tình trạng xây dựng tự phát khiến bộ mặt đô thị Hà Nội nhìn từ sông Hồng rất xấu xí. Trong khi đó, ở những thành phố có sông chảy qua, bao giờ con sông cũng là điểm nhấn đô thị, nhiều nơi trở thành điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Do đó, rất cần một quy hoạch thật tốt để sông Hồng thực sự là con sông của đô thị”, ông Trần Ngọc Chính bày tỏ.

Chánh Văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế cao, tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng... 

Bản đồ định hướng quy hoạch các bãi sông phân khu sông Hồng.

Hướng đô thị về phía sông Hồng

Là đơn vị được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1 (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cho biết, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng khoảng 11.000ha, trong đó diện tích sông Hồng khoảng 3.600ha, thuộc địa giới hành chính của 13 quận, huyện... Dự kiến, các khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha, sẽ được mở rộng 5% diện tích hiện có để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ... Khu vực bãi Tàm Xá - Xuân Canh được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng mới không vượt quá 15% diện tích bãi sông. Với 5 bãi sông (Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức), quy hoạch đề xuất xây dựng các khu chức năng đô thị có mật độ xây dựng thấp, phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội...

Ngoài ra, một điểm khá quan trọng là quy hoạch phân khu này sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả bãi sông, tạo quỹ đất phát triển mới để xây dựng các khu nhà ở phục vụ tái định cư, khu nhà ở thương mại, khu nhà ở sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao; phát huy giá trị cảnh quan của trục không gian sông Hồng, hướng đô thị về phía dòng sông.

Quy hoạch sông Hồng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội, song từ trước đến nay, việc xây dựng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu cơ sở pháp lý. Lần này, thành phố Hà Nội đang nỗ lực rất lớn để hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tổ chức ngày 10-3-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, các chuyên gia đầu ngành mà Hà Nội tham vấn đều nhận định, đây là đồ án tốt nhất từ trước đến nay và đủ điều kiện để được phê duyệt. Trên cơ sở xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã nhất trí cao về chủ trương giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện đồ án, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan...

Tiếp xúc và trả lời kiến nghị cử tri quận Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa XVI mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thông tin, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời, trên cơ sở đồng thuận cao, song yêu cầu tuân thủ phương án phòng, chống lũ. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ đồ án... Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt.

Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1 (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) Nguyễn Lan Hương: Giải pháp Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được thiết kế bảo đảm tuân thủ toàn diện các yêu cầu, mục tiêu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011; tuân thủ Quyết định số 257/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình” ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến góp ý của Bộ NN&PTNT. Trong đó, giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông là nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực. Giải pháp quy hoạch đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, bảo đảm an toàn chống lũ, đáp ứng nhu cầu giao thông...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Tạo diện mạo mới cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.