(HNM) - Cá tra là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất khẩu mặt hàng này giảm, đặc biệt thị trường Châu Âu giảm rất mạnh.
Tại hội thảo "Phát triển bền vững cá tra tại thị trường Châu Âu" trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam 2014 (Vietfish 2014) diễn ra từ ngày 6 đến 8-8 tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu và cơ quan chức năng đã đưa ra những giải pháp để nâng cao vị thế và giá trị của cá tra trên thị trường EU và thế giới.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng |
Xuất khẩu sụt giảm mạnh
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, cá tra Việt Nam đã có bước phát triển rất ngoạn mục: Sản lượng năm 2000 là 37.500 tấn, năm 2012 là 1,35 triệu tấn; xuất khẩu năm 2000 là 12.500 tấn, năm 2012 là 660.000 tấn; tương ứng kim ngạch xuất khẩu từ 40 triệu USD năm 2000 lên 1,8 tỷ USD năm 2012. Mặt hàng này đang chiếm hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm hơn 95% tổng giá trị xuất khẩu của ngành cá tra thế giới. Hiện cá tra đã xuất khẩu sang hơn 150 nước và vùng lãnh thổ với doanh thu trung bình hơn 1,8 tỷ USD/năm. EU là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng gần 22% sản lượng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây xuất khẩu cá tra liên tục giảm, nhất là tại thị trường EU. Từ năm 2000 đến 2008, thị trường này tăng trưởng rất nhanh với hơn 100%, đặc biệt có năm tăng hơn 300%. Từ năm 2008, thị trường EU bắt đầu suy giảm nghiêm trọng với mức giảm hơn 5%/năm, thậm chí năm 2012 giảm gần 19%. Tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành từ 48% năm 2007 giảm xuống còn 21,9% năm 2013.
Theo bà Dương Phương Thảo, EU là thị trường lớn đối với cá thịt trắng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã lỡ nhiều đơn hàng do có quy mô nhỏ bé; thị trường đòi hỏi những sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhưng cá tra Việt Nam xuất khẩu vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm, như: Kinh tế suy thoái, cạnh tranh từ các loài cá khác, thông tin sai lệch về chất lượng cá tra Việt Nam ở một số nước như Italia, Tây Ban Nha, Ai Cập… Bên cạnh đó, ông Hòe cũng thẳng thắn chỉ rõ là nguyên nhân cạnh tranh không lành mạnh từ chính các nhà xuất khẩu ở Việt Nam và sự phát triển thiếu bền vững của ngành cá tra Việt Nam.
Nỗ lực phát triển bền vững
Theo ông Trương Đình Hòe, giải pháp để phát triển ngành cá tra bền vững là quy hoạch lại vùng nuôi, sản lượng, đánh giá khả năng cung cầu tránh tình trạng tăng trưởng "nóng", giải quyết bài toán căn bản về giá cá nguyên liệu trên quy luật cung cầu của thị trường và xây dựng lại hình ảnh cá tra Việt Nam bằng chất lượng, sự minh bạch.
TS Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2009 Bộ NN&PTNT đã có quy hoạch nuôi, chế biến cá tra. Tuy nhiên, quy hoạch này chỉ phù hợp với giai đoạn phát triển nhanh như trước năm 2010 của ngành này. Chính vì vậy năm 2014, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT rà soát lại quy hoạch cá tra theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng phát triển thị trường. Trong vài ngày tới, Bộ sẽ trình Chính phủ. Quy hoạch này sẽ theo hai định hướng quan trọng. Đó là, quy hoạch cá tra trong năm 2015 sẽ không tăng diện tích, sản lượng cá tra và có thể giảm để hướng đến nâng chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm; đến năm 2016 sẽ điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi phù hợp tùy theo cung cầu thị trường. Bên cạnh đó là tiến tới quản lý chặt chẽ hơn trong quản lý nuôi và cấp mã số về ao nuôi. Cũng theo ông Tuấn, giảm sản lượng nuôi không phải vì dư địa thị trường đã hết, vì các thị trường mới ở Châu Phi, Châu Á, nội địa còn rất nhiều, tuy nhiên vẫn phải quy hoạch lại để tăng chất lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP để quản lý việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Theo đó, đến ngày 1-1-2016 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp theo quy định của Việt Nam.
Theo đại diện của nhà nhập khẩu, Tập đoàn Anova, cá tra trên thị trường thế giới đã bước vào cuộc cạnh tranh khó khăn hơn trước, đó là cạnh tranh về chất lượng. Đại diện này cũng cho rằng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm chất lượng cao, vì vậy các nhà xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm mới có thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó, thị trường cần sự minh bạch, nhất là những chất phụ gia vào quá trình chăn nuôi và chế biến cá. Cần phải có tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm xuất khẩu, ví dụ: Nước, độ ẩm cho phép trong cá và những phụ gia không được sử dụng… và kiểm soát chặt tiêu chuẩn đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.