(HNM) - Đã tròn một năm Chương trình 07 được Thành ủy Hà Nội ban hành. Theo đó, quan điểm đầu tư có trọng tâm, không dàn trải, ưu tiên các công trình trọng điểm hạ tầng khung đang được cụ thể hóa nhằm tạo bước đột phá trên các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường.
Vóc dáng của một đô thị hiện đại, văn minh đã được định hình và tiếp tục phát triển cùng với những thay da đổi thịt của khu vực nông thôn, hướng tới sự phát triển bền vững - đó là cảm nhận về Thủ đô hôm nay. Nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), đồng chí Nguyễn Công Soái - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 07 của Thành ủy, đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi về những kết quả bước đầu của chương trình quan trọng này.
Năm 2012 phấn đấu hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành
- Thưa đồng chí, trong 9 chương trình công tác của BCH Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội nhiệm kỳ 2010-2015, Chương trình số 07 “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011-2015” được người dân rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính, quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế và giao lưu quốc tế, trung tâm văn hóa giáo dục, y tế của cả nước với nhiều trụ sở của cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế, các khu đô thị, khu công nghiệp, doanh nghiệp... Chúng ta có mạng lưới giao thông đa dạng với đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không, nhưng hệ thống mạng lưới lại chưa hoàn thiện. Hiện tại, quỹ đất dành cho giao thông khu vực đô thị mới đạt 7-8%, trong khi quy hoạch đặt ra là 20-25%. Hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, trong khi số phương tiện tham gia giao thông quá lớn (hơn 4,8 triệu ô tô, mô tô), phương tiện công cộng mới đáp ứng được 9% nhu cầu đi lại; diện tích đất cho bãi đỗ xe mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu... Đây là những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Rồi còn việc cấp nước, thoát nước, vấn đề ô nhiễm môi trường… Cho nên, người dân trông đợi vào chương trình này là điều dễ hiểu. Bởi ai cũng mong muốn bộ mặt của Thủ đô ngày càng hiện đại, điều kiện và chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
- Đặt quyết tâm cao độ, nhất là trong việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng khung đô thị theo hướng đồng bộ, bền vững, từng bước hiện đại. Vậy sau một năm, chúng ta đã làm được những gì thưa đồng chí?
- Có nhiều việc chúng ta đã thực hiện. Thứ nhất, trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, TP tập trung triển khai, phấn đấu trong năm 2012 hoàn chỉnh dứt điểm các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Đây là vấn đề cốt lõi nhất, là cơ sở để TP xác định các dự án trọng điểm, thực hiện đầu tư. Thứ hai, BCĐ Chương trình đã rà soát và xác định được những việc trọng tâm, những vấn đề bức xúc cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao thông, BCĐ thống nhất: Những công trình dở dang, thi công nhiều năm thì bây giờ phải tập trung hoàn thành. Cụ thể là đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, đường 32, đoạn nào chưa “thông” thì bây giờ phải làm cho “thông”; tiếp đến là đường sắt đô thị trên cao, tàu điện ngầm...
Công khai quy hoạch đầu tư có trọng điểm
- Trước đây, mỗi khi đề cập vấn đề quy hoạch treo, dự án treo, người dân không khỏi bức xúc. Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo không chỉ ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, sự khớp nối giữa các quy hoạch mà còn làm lãng phí tài nguyên, tiền của. Nguyên nhân là vì chưa có quy hoạch tổng thể. Nhưng nay đã có thì người dân lại lo ngại sẽ có sự điều chỉnh giữa cái mới với cái cũ. Suy nghĩ của đồng chí về vấn đề này?
- Để thực hiện theo quy hoạch tổng thể chắc chắn sẽ phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Sự điều chỉnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người dân. Nhưng chúng ta phải chấp nhận để thực hiện tốt quy hoạch, nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố cũng như các tiêu chí cần thiết để xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh. Vấn đề là thành phố phải có những cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
- Còn một vấn đề mà người dân luôn mong mỏi, đó là việc công khai, minh bạch các quy hoạch. Yêu cầu này liệu có được đáp ứng không, thưa đồng chí?
- Tất cả các quy hoạch sẽ được công khai ngay sau khi đã được phê duyệt. Điều này mang lại lợi ích cho cả thành phố, đặc biệt là người dân. Khi dân biết được nhà, công trình của gia đình mình nằm trong quy hoạch, chắc chắn họ sẽ không xây dựng kiên cố, không tốn kém tiền của, công sức. Cho nên, tôi khẳng định, việc công khai quy hoạch cho người dân là bắt buộc.
- Với nguyên tắc “đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”, thay vì gần 100 công trình được trình lên, TP đã quyết định ưu tiên đầu tư 37 công trình trọng điểm, trong đó 2/3 thuộc lĩnh vực giao thông. Quyết định này được dư luận xã hội đánh giá là sáng suốt và giàu tính khả thi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, suy thoái kinh tế khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. TP đã có cơ chế, chính sách gì để đối phó với những trở ngại này?
- Trong tình hình khó khăn như hiện nay buộc TP cần phải lựa chọn việc gì làm trước, việc gì làm sau để từ đó tìm cách huy động vốn hoặc dùng ngân sách của TP; kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT; có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư. Đối với những dự án thuộc ngân sách đầu tư của TP đòi hỏi phải tập trung cao độ hơn, dứt khoát không đầu tư dàn trải. Quá trình chỉ đạo công việc, tôi luôn nhắc đi nhắc lại, chỗ nào tiến độ chậm mà tính chất dự án quan trọng thì phải tập trung thực hiện. Ví dụ, đường Vành đai 1, đoạn từ Xã Đàn về Voi Phục; thay vì làm cả tuyến như kế hoạch, TP quyết định chọn một đoạn (Xã Đàn - Hoàng Cầu) tập trung làm cho xong. Sang năm 2013, nếu có điều kiện, TP tiếp tục làm giai đoạn 2 (từ Hoàng Cầu về Voi Phục). Với đường 32, đường Vành đai 2, Vành đai 3… TP kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức BT. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký, TP sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện. Những việc đó không phải một sớm một chiều là xong, nhưng tôi tin việc lựa chọn 37 công trình trọng điểm, trong đó có hơn 20 công trình ưu tiên cho hạ tầng kỹ thuật, giao thông từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành.
Vấn đề là sử dụng đồng tiền hiệu quả
- Sự phối hợp giữa các sở, ngành là rất quan trọng để tránh tình trạng, quy hoạch của ngành này chồng lấn hoặc “lệch pha” với ngành kia. Ở đây rất cần “bàn tay” để khâu nối. BCĐ Chương trình, UBND TP sẽ đảm nhận vai trò này, thưa đồng chí?
- Đúng vậy. Trước tiên, UBND TP phải đứng ra chỉ đạo các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông vận tải… để thống nhất với nhau quan điểm thực hiện đồng bộ và yêu cầu về sự phối hợp nhuần nhuyễn. Vừa qua, trong kiểm điểm của tập thể BTV Thành ủy theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã chỉ rõ một số sở, ngành chưa phối hợp chặt chẽ với nhau. Bây giờ cần rút kinh nghiệm, nghiêm túc, thống nhất khâu chỉ đạo và đồng bộ trong phối hợp thực hiện, không thể “ông” này thì thích thế này, “ông” kia lại thích thế kia. Do vậy UBND TP sẽ đứng ra chủ trì giải quyết, giao đặc trách cho một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP chịu trách nhiệm. Nếu vấn đề còn vướng, hoặc phải thay đổi quy hoạch nào đó cho phù hợp thì tập thể UBND TP, cao hơn là tập thể BTV Thành ủy sẽ có ý kiến trực tiếp. Đơn cử như việc điều chỉnh đường sắt, đường ngầm (đoạn ngã tư Hàng Đậu) người dân đang có kiến nghị, tới đây UBND TP sẽ xem xét, điều chỉnh. Quan điểm của Thành ủy là phân công rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian. Trước đây không phối hợp tốt, thì bây giờ phải phối hợp tốt, không thể thích làm gì thì làm, tất cả phải theo chỉ đạo, theo nguyên tắc chung, đó là tính thống nhất và đồng bộ.
- Chúng ta phải cần đến một lượng vốn cực lớn để hoàn thành 37 công trình trọng điểm. Trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay, lo ngại nhất về thiếu vốn. Đồng chí nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Chúng ta có nhiều cách để huy động vốn. Một là nguồn vốn của Trung ương, có thể kể tới các dự án đường trên cao, đường Vành đai 3, cầu Nhật Tân, đường tàu điện ngầm, đường sắt trên cao. Tiếp đó là nguồn vốn vay của nước ngoài rồi hình thức đầu tư dự án đổi đất lấy hạ tầng (BOT)… Vấn đề là sử dụng nguồn vốn như thế nào cho hiệu quả, việc gì phải làm trước, việc gì có thể làm sau.
- Có nghĩa là rất cần sự khoa học và hợp lý?
- Đúng vậy. Vừa rồi, TP đã xây dựng hai cầu vượt tại Chùa Bộc và Láng Hạ, mỗi cây cầu này chi phí chỉ 60-70 tỷ đồng nhưng hiệu quả, lợi ích rất cao. Hay tới đây là cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng hoàn thành sẽ giảm ùn tắc giao thông trong khu vực. Từ khó khăn về vốn, chúng ta phải cân nhắc, lựa chọn công trình đầu tư, “nhà nghèo” mà cái gì cũng muốn làm thì sẽ rơi vào tình trạng dàn trải, lãng phí.
Việc khó cần có quyết tâm cao
- Đặt trong mối tương quan giữa 9 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy, có mối liên hệ nào giữa Chương trình 07 với các chương trình khác không, thưa đồng chí?
- Các chương trình công tác của BCH Đảng bộ Hà Nội đề ra đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ, giữa Chương trình 07 và Chương trình 02 (về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015); giữa Chương trình 07 và Chương trình 06 (về đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011-2012)... Ba chương trình đều có các mục tiêu chung, đều phải thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Đơn cử như thực hiện Chương trình 02, xây đường liên huyện giữa huyện A với huyện B phải thể hiện trên quy hoạch tổng thể về hạ tầng giao thông của Chương trình 07. Trong ba chương trình này, tôi muốn nhấn mạnh đến yêu cầu cần phải có quy hoạch, tiếp đó là quản lý quy hoạch cho chặt chẽ, có cơ chế thực hiện quy hoạch cho tốt.
- Như vậy cũng có thể coi 9 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy chính là kế hoạch tổng thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô?
- Và vì vậy việc thực hiện các chương trình phải đồng bộ, có sự kết nối chặt chẽ. Phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải nằm trong một quy hoạch kiến trúc đô thị hài hòa, kết hợp giữa nét truyền thống và tính hiện đại, phải gắn với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
- Nhưng vẫn phải khẳng định, Chương trình 07 có vai trò quyết định đến bộ mặt của đô thị. Đô thị có văn minh hiện đại hay không điều đó thể hiện ở kết cấu hạ tầng, cho dù hạ tầng hiện đại hôm nay chỉ mới bắt đầu một bước, giống như việc đi từng bậc cầu thang để hướng tới sự văn minh, hiện đại, thưa đồng chí!
- Đúng là chương trình này thuộc diện khó, nhưng không làm được sẽ mắc khuyết điểm với dân, với Đảng. Cùng với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2020-2030, từ nay tới năm 2015 Chương trình 07 cũng chỉ ra được những phần việc phải làm và làm như thế nào. Quan trọng nhất là chúng ta đã định hình được việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại như mong muốn của nhân dân để có thể thực hiện từng bước trong một tổng thể thống nhất. Thiếu nguồn vốn để thực hiện các dự án là một nỗi lo, nhưng điều đó không đáng ngại bằng “tư duy nhiệm kỳ”, “ông” này thích làm cái này nhưng khóa sau “ông” khác lại lựa chọn những cái khác để đầu tư, vừa tốn tiền, vừa chắp vá, manh mún. Việc khó cần có quyết tâm cao, nhưng lo ngại nhất là ngay trong một gia đình không định hướng được là phải làm việc gì, có tiền nhưng không hình dung được là sẽ làm cái gì…
- Như vậy ngoài câu chuyện kinh phí, còn có rất nhiều vấn đề khác cần phải làm?
- Có kinh phí rồi cần tập trung giải phóng mặt bằng, thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Có chương trình, có tiền rồi mà không giải phóng được mặt bằng thì dự án cũng không thể triển khai. Muốn giải phóng mặt bằng tốt thì phải làm tốt công tác dân vận, phát huy dân chủ ở cơ sở. Tôi cho rằng công tác dân vận là cực kỳ quan trọng. Muốn có đường rộng thì nhân dân cũng phải cộng đồng trách nhiệm. Vừa rồi, tôi có mặt tại xã Tây Tựu (Từ Liêm), bà con nói: “Nhà tôi tuy hẹp nhưng vì có đường rộng cho con cháu đi, tôi sẵn sàng hiến đất”. Đâu phải cần đến tiền, cái chính là tạo được sự đồng thuận, khơi dậy trách nhiệm của người dân cùng góp sức để dựng xây Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…
- Trân trọng cảm ơn đồng chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.