Với mục đích cải tạo cảnh quan bên sông và điều kiện sống của người dân khu vực ngoài đê, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đề xuất quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để cơ cấu lại dân cư ngoài bãi, tránh tập trung đông dân cục bộ. Theo đó, sử dụng quỹ đất phía bờ bắc như Tầm Xá (Ðông Anh) với diện tích hơn 2.000 ha và bờ nam ở bãi Tứ Liên, Lĩnh Nam, Trần Phú rộng 1.000 ha để xây dựng các khu đô thị, công viên cây xanh, giải quyết cơ bản chỗ ở cho người dân với diện tích 15 - 18m2/người, cây xanh đạt 6-7 m2/người.
![]()
Với mục đích cải tạo cảnh quan bên sông và điều kiện sống của người dân khu vực ngoài đê, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đề xuất quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để cơ cấu lại dân cư ngoài bãi, tránh tập trung đông dân cục bộ. Theo đó, sử dụng quỹ đất phía bờ bắc như Tầm Xá (Ðông Anh) với diện tích hơn 2.000 ha và bờ nam ở bãi Tứ Liên, Lĩnh Nam, Trần Phú rộng 1.000 ha để xây dựng các khu đô thị, công viên cây xanh... Bằng các giải pháp bán ngập, khu vực này sẽ giải quyết cơ bản chỗ ở cho người dân với diện tích 15 - 18m2/người, cây xanh đạt 6-7 m2/người.
Dải đất dọc phía ngoài đê sông Hồng có diện tích khoảng 12.000 ha, trong đó có khoảng 6.000 ha đang được khai thác (2.500 ha ở Tây Hồ; 3.500 ha ở Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì); có tới 14 vạn dân đang sinh sống. Với đà phát triển như hiện nay, có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ không còn những bãi ngô, rau xanh mà những công trình xây dựng vốn đang dày đặc, sát bờ sông lấn dần nuốt chửng.
Hiện chính quyền địa phương không quản lý nổi tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép. Ðể lập lại trật tự, Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch với dự định sẽ biến nơi đây thành đô thị hiện đại và thơ mộng với mô hình nhà ở có kiến trúc mới mẻ, khác hẳn kiến trúc nhà ống đang tồn tại phổ biến ở thành phố. Dự kiến, Báo cáo quy hoạch ổn định tuyến thoát lũ để phân bổ dân cư, chỉnh trang cảnh quan 2 bờ sông Hồng sẽ được trình HÐND thành phố trong 11- 2004.
Sông Hồng sẽ là trục trung tâm thủ đô Hà Nội
Với mục đích cải tạo cảnh quan bên sông và điều kiện sống của người dân khu vực ngoài đê, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) đang xây dựng đề án quy hoạch 2 bờ sông Hồng. Theo đó, quy hoạch được xây dựng với định hướng: số dân thành phố sinh sống bên bờ bắc sông Hồng là 40%, bờ nam là 60%.
Trong những năm gần đây, số dân sinh sống ngoài đê đã gia tăng mạnh, từ 90.000 dân (năm 1996) lên 160.000 người (năm 2004). Trên thực tế cho thấy, người dân đã lấn chiếm xây dựng nhà cửa ra gần mép sông và dần lấp sông nếu không được ngăn chặn. Hậu quả của những việc làm vô ý thức này đang ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của sông Hồng, gây tình trạng xói lở đất ở Tứ Liên, Bát Tràng, chân cầu Chương Dương...
Sở QH-KT đã đề xuất quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để cơ cấu lại dân cư ngoài bãi, tránh tập trung đông dân cục bộ. Theo đó, sử dụng quỹ đất phía bờ bắc như Tầm Xá (Ðông Anh) với diện tích hơn 2.000 ha và bờ nam ở bãi Tứ Liên, Lĩnh Nam, Trần Phú rộng 1.000 ha để xây dựng các khu đô thị, công viên cây xanh... Bằng các giải pháp bán ngập, khu vực này sẽ giải quyết cơ bản chỗ ở cho người dân với diện tích 15 - 18m2/người, cây xanh đạt 6-7 m2/người. Nhà ở tại khu dân cư cũ sẽ được cải tạo lại, nếu người dân sinh sống trong hành lang thoát lũ phải di chuyển, trả lại vẻ thông thoáng cho dòng sông.
Theo Sở QH - KT, trục sông Hồng sẽ là trung tâm của thành phố và sau này cảnh quan nội đô sẽ hướng ra sông. Bởi chính kiểu “đô thị quay lưng” như hiện nay càng gia tăng tình trạng lấn chiếm đất bãi sông Hồng. Tuy nhiên, việc xây dựng quy hoạch dựa trên hành lang thoát lũ của sông Hồng mà hành lang này chưa được xác định.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, ông Lê Quý Ðôn thì việc lập quy hoạch để điều chỉnh và phân bố dân cư hai bờ sông là rất cần thiết với mục đích giải quyết tình trạng sạt lở thềm sông, trật tự xây dựng. Một vấn đề khó khi đi vào thực hiện đề án trên là phải kiềm chế được tăng tỷ lệ dân số cơ học đang rất nhanh ở khu vực bãi sông. Có giải quyết được bài toán này thì mới chặn được sự lộn xộn trong xây dựng tại đây. Cụ thể, từ nay đến 2010, phải giảm 3 - 5 vạn người (tức 1.000 - 1.300 hộ/năm); từ 2010 đến 2020, giảm 4 -5 vạn người để đến 2020, khu vực này chỉ còn từ 6-7 vạn người.
Trước mắt, UBND thành phố đã chỉ đạo chính quyền các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiên quyết không cho xây mới, lấn chiếm bãi sông Hồng. Quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu để lấn chiếm bờ bãi sông Hồng. Ðồng thời, sắp tới sẽ rà soát, kiểm tra những trường hợp cư trú tại đây.
Ước tính, kinh phí đầu tư cho các dự án ở khu vực ngoài đê sông Hồng lên tới 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện, thành phố sẽ phải nỗ lực tìm nhiều nguồn vốn khác. Trong khi chờ đợi Chính phủ phê duyệt quy hoạch hai bờ sông Hồng và xây dựng hành lang thoát lũ, thành phố làm thí điểm kè vở 1km từ cầu Chương Dương đến cầu Thăng Long, rồi tiến hành nhân rộng.
Ðô thị xanh, thành phố nổi
Giám đốc Sở QH - KT Ðào Ngọc Nghiêm, người đã dày công tìm hiểu các khu dân cư ngoài đê sông của các thành phố lớn trên thế giới như Budapest, Varsava... cho hay, một nhóm chuyên môn đã lập quy hoạch sắp xếp lại dân cư bãi sông Hồng theo hướng biến nơi lộn xộn nhất về trật tự xây dựng này thành “đô thị xanh, thành phố nổi”.
Vấn đề khó nhất là thuỷ trị được an toàn 40 km sông Hồng chảy qua Hà Nội. Một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là xây dựng hệ thống kè nhằm chỉnh trị sông Hồng, bảo đảm không cản dòng chảy. Và trong con mắt của các kiến trúc sư thì chính những kè sát bờ sông này sẽ là điểm dạo mát, ngắm sông tuyệt vời không kém gì những con đương có chức năng tương tự ven sông Ðanuýp và Visla.
Cách đây 3 năm, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Kiến trúc sư trưởng thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành và cơ quan liên quan lập dự án thí điểm quy hoạch, xây dựng, cải tạo trên phạm vi chiều dài khoảng 1km dọc theo đê sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ. Quá trình triển khai dự án này gặp khá nhiều khó khăn, trong đó vướng mắc cơ bản là quy định của Pháp lệnh Ðê điều không cho phép xây dựng các công trình ngoài đê. Ðến năm nay, tính khả thi của dự án này trở nên rõ nét hơn khi thành phố Hà Nội đang xem xét lập lại quy hoạch toàn bộ khu vực hai bên sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội, với quy mô nghiên cứu lên tới trên 10.000 ha.
Ý tưởng của ông Ðào Ngọc Nghiêm và các cộng sự là biến khu ngoài đê sông Hồng thành khu đô thị hiện đại với hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ. Các chung cư cao tầng từ 15 - 20 tầng sẽ bảo đảm bình quân mỗi hộ dân đạt 15-18m2/sàn xây dựng. Một số chung cư sẽ được xây dựng theo kiểu rỗng ở dưới để lũ có thể lưu thông mỗi khi nước sông Hồng dâng cao. Trong bản quy hoạch của mình, các KTS của Sở Quy hoạch-Kiến trúc đưa ra mức chuẩn cho các nhà vườn ở đây là trên 150m2.
Mật độ cây xanh ở đây sẽ đạt bình quân từ 6-7m2/người. Với việc hình thành một số công viên, gồm: công viên vui chơi giải trí và dãy cây xanh dọc các khu vực ven sông từ Yên Phụ đến Vân Ðồn, công viên sinh thái trên cồn bãi hiện có; công viên cây xanh cách ly thuộc khu vực nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước Vĩnh Tuy với khu dân cư; và công viên cây công nghiệp phục vụ khu công nghiệp Nam Thăng Long.
Các công trình cao tầng theo dạng “công trình trên cọc”
Một dự án mới nhất về quy hoạch thí điểm 1km dọc đê sông Hồng đã được Sở QH-KT xây dựng. Tuyến hành lang thoát lũ dự kiến được chọn có bề rộng 2400m cho đoạn thượng lưu cửa sông Ðuống và 2100m cho đoạn hạ lưu.
Giám đốc Sở QH-KT, ông Ðào Ngọc Nghiêm cho biết, khu vực nghiên cứu nằm ở phía Ðông Bắc hồ Tây, thuộc 3 phường Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên (Tây Hồ). Theo dự kiến chung về quy hoạch sử dụng đất, khu đất từ đê bối ra mép sông nằm trong hành lang thoát lũ nên việc khai thác sử dụng đất hạn chế. Chủ yếu, khu vực này sẽ trồng xây xanh, làm sân TDTT, không thay đổi địa hình tự nhiên và không xây dựng công trình làm cản trở dòng chảy.
Tại khu vực Bắc Nhật Tân, Tứ Liên, ranh giới hành lang thoát lũ trùng với tuyến đê bối hiện có. Như vậy có một phần bãi Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ, An Dương được đưa ra ngoài hành lang thoát lũ. Khu vực nằm trong hành lang thoát lũ có diện tích khoảng 66 ha, không được xây dựng. 69 ha nằm ngoài hành lang thoát lũ có thể xây dựng công trình.
Khu đất từ đê bối vào đê chính nằm ngoài hành lang thoát lũ được nghiên cứu, sử dụng đất cho phát triển đô thị, phải đảm bảo duy trì và cải thiện khả năng thoát lũ hiện nay, góp phần tăng cường ổn định và an toàn đê. Các trục giao thông chính được quy hoạch cơ bản xuôi theo dòng chảy, tạo ra những tuyến phố có phần lớn công trình dọc sông Hồng. Công trình xây dựng cao tầng sẽ bỏ trống tầng 1 để không cản trở dòng chảy thoát lũ khi cần thiết.
Chọn phương án nào?
Sở QH-KT đã đưa ra 3 phương án sắp xếp lại quỹ đất nằm ngoài hành lang thoát lũ, trên cơ sở các công trình và phạm vi chiếm đất hiện có, đồng thời bổ sung một số công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho khu vực, hạn chế xây dựng mở rộng về mặt bằng mà chủ yếu tăng chiều cao để tạo ra diện tích ở. Ðịa hình tự nhiên cơ bản giữ nguyên như hiện nay. Dân số dự kiến là 6600 người. Trong 3 phương án này, các chuyên gia nghiêng về khả năng lựa chọn phương án 2.
Theo phương án này, khu đất nằm dọc đê chính trong phạm vi chiều rộng khoảng 100 - 170m được tôn đắp nền đến cốt 12,5 - 13,5m để tạo bền vững thêm cho đê chính.
Hệ thống đường và công trình sẽ được bố trí song song với dòng chảy; các khu vực xây dựng mới có cao độ tự nhiên dưới mực nước báo động 3 thì xây dựng công trình trên cọc, bỏ trống tầng trệt. Công trình chủ yếu là cao tầng, mật độ xây dựng trung bình.
Theo dự án 2 này, sẽ xây dựng lại toàn bộ nhà ở khu vực làng Tứ Liên hiện có theo hướng “công trình trên cọc” và theo hình thức “cải tạo cuốn chiếu”. Có những hồ nhỏ tại các khu vực thấp, trũng để kết hợp thoát lũ và tạo cảnh quan.
Phương án này sẽ phải di dân tái định cư 2.368 người. Về không gian quy hoạch kiến trúc, sẽ tổ chức trục không gian nối tiếp giữa bán đảo Quảng An và trục không gian dẫn hướng từ khu vực di tích Cổ Loa phía bờ Tả sông Hồng.
Một dải khu đô thị xanh đang hình thành. Và khi được chấp thuận thực hiện thì đây sẽ là một trong những điểm nhấn của Thủ đô để chào mừng Thăng Long- Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi.
Hồng Thanh