Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch đóng vai trò then chốt

Quỳnh Dung| 16/02/2011 07:20

(HNM) - Trong những năm qua, chăn nuôi ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung luôn đối mặt với nhiều khó khăn: Thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh hoành hành, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao... Năm 2008, Hà Nội đã rà soát, đánh giá hiện trạng chăn nuôi làm cơ sở cho quy hoạch chăn nuôi theo vùng, đầu tư chiều sâu. Sự thay đổi đã cho kết quả nhất định.


Bài học từ thực tiễn

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội cho biết, năm 2008, qua rà soát, đánh giá chăn nuôi bò sữa, gia súc, gia cầm trên địa bàn TP cho thấy mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ở các huyện ngoại thành chiếm tới 70%, luôn đối mặt với ô nhiễm môi trường, số chuồng trại chăn nuôi được đánh giá hợp vệ sinh chỉ đạt 55%. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng chăn nuôi trên địa bàn TP, năm 2009, Sở NN&PTNT đã tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa theo quy hoạch tại 7 xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa (Ba Vì); Phù Đổng, Dương Hà, Trung Mầu (Gia Lâm); Phượng Cách (Quốc Oai). Trên cơ sở quy hoạch, chọn vùng chăn nuôi phù hợp, điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác... TP đã cùng các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, thành lập các chi hội chăn nuôi bò sữa... Diện mạo các vùng được quy hoạch đã thay đổi cả về chất và lượng. Số bò sữa chăn nuôi trong vùng quy hoạch đã tăng từ 4.085 con (năm 2008) lên 7.546 con năm 2010, tăng 84,7%; sản lượng sữa bình quân mỗi lần khai thác tăng từ 24.400 kg/ngày lên 63.464 kg/ngày, tăng 160%. Trong khi đó, số bò sữa ngoài vùng quy hoạch giảm 40,3% (còn 1.561 con), sản lượng sữa giảm 53,5%. Sau 2 năm quy hoạch, số bò sữa, toàn TP tăng 30%, sản lượng sữa tăng 80%, cho thấy chất lượng chăn nuôi bò sữa của Hà Nội đã tăng đáng kể. Từ hiệu quả của việc quy hoạch chăn nuôi bò sữa tại 7 xã trọng điểm, Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số vùng bãi của các huyện Thanh Oai, Thường Tín...


Chăm sóc đàn lợn tại hộ gia đình ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Phương An


Tín hiệu từ chăn nuôi bò thịt, lợn, gia cầm cũng rất đáng mừng. Nhờ đầu tư quy hoạch vùng chăn nuôi, tổng đàn lợn của TP đạt gần 1,7 triệu con, số hộ chăn nuôi lớn chiếm đa số với 631 trang trại chăn nuôi xa khu dân cư, quy mô từ 100-5.000 con. Số lợn nuôi trong các trang trại chiếm 20% tổng đàn lợn toàn TP, tập trung ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức… Hiện chăn nuôi gia cầm phương thức nhỏ lẻ đã giảm, xu hướng chăn nuôi tập trung quy mô lớn tăng nhanh, toàn TP có gần 16 triệu con với trên 1.000 trang trại, quy mô từ 2.000 con đến 20.000 con/1 trang trại. Các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ... đã hình thành các xã chuyên chăn nuôi với hệ thống trang trại xa khu dân cư, hiện đại, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ đó, Hà Nội tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm trong cả nước. Năm 2010, nhiều tỉnh thành trong cả nước đối mặt với dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh... khiến nguồn cung bị giảm mạnh. Hà Nội đã không để dịch bệnh lan ra diện rộng, nên thiệt hại trong chăn nuôi không đáng kể. Đáng nói là, nhờ quy hoạch vùng chăn nuôi, khoanh vùng dập dịch tốt, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, nên tổng đàn tiếp tục tăng, nguồn cung dồi dào, chất lượng bảo đảm.

Ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, trước đây, trên địa bàn huyện, về chăn nuôi chủ yếu diễn ra tại các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, năng suất không cao. Từ khi thực hiện chủ trương của Sở NN&PTNT, nông dân xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 350 trang trại chăn nuôi tập trung, chủ yếu ở các xã Phụng Châu (74ha), Đại Yên (25ha), Đông Sơn (10ha), Hồng Phong (10ha)… Các trang trại cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha…

Chăn nuôi tập trung - ưu tiên số 1

Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, chủ trương của TP trong thời gian tới là giảm dần số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số hộ chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; các địa phương đưa những loại con giống phù hợp vào nuôi để tăng năng suất; tập trung phát triển nguồn thức ăn tại chỗ để giảm giá thành đầu vào. Mục tiêu là giữ ổn định số lượng đàn lợn, đàn bò thịt, đàn bò sinh sản, đàn gia cầm, tăng số lượng đàn bò sữa năm 2011 đạt 10.000 con, đến năm 2015 đạt 15.000 con, năm 2020 đạt 20.000 con. Đến năm 2015 cơ bản hình thành các vùng chăn nuôi chuyên canh lợn, bò thịt, bò sữa và gia cầm.

Trong năm 2011, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình xã điểm về chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng thêm các khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn xa khu dân cư, khu chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học. Hình thành vùng sản xuất giống cung cấp cho thị trường nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tổ chức xây dựng mối liên kết theo chuỗi doanh nghiệp chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi gắn với cơ sở giết mổ, chế biến và nơi tiêu thụ sản phẩm. Liên kết các hộ nông dân theo ngành hàng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển chăn nuôi truyền thống sang mô hình trang trại ở những vùng đã được quy hoạch…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch đóng vai trò then chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.