Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về việc rút đơn khởi kiện

09/11/2013 07:08

Tôi là nguyên đơn trong một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất đã được xét xử sơ thẩm và đang được thụ lý để xét xử phúc thẩm. Trước khi tòa án đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, nếu tôi muốn rút đơn khởi kiện thì tòa án sẽ xử lý thế nào? Nguyễn Thanh Tùng (Từ Liêm, Hà Nội)

Tôi là nguyên đơn trong một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất đã được xét xử sơ thẩm và đang được thụ lý để xét xử phúc thẩm. Trước khi tòa án đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, nếu tôi muốn rút đơn khởi kiện thì tòa án sẽ xử lý thế nào?
Nguyễn Thanh Tùng (Từ Liêm, Hà Nội)

Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:

Theo quy định tại Điều 18 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trước khi mở phiên tòa phải được làm thành văn bản.

Trong thời hạn nguyên đơn có quyền kháng cáo, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, thì tòa án cấp sơ thẩm cần phải giải thích cho họ biết hậu quả của việc bị đơn không đồng ý để họ quyết định việc kháng cáo hoặc rút đơn khởi kiện. Trường hợp nguyên đơn vẫn quyết định rút đơn khởi kiện thì tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn biết và yêu cầu bị đơn phải trả lời bằng văn bản cho tòa án cấp sơ thẩm về việc họ có đồng ý hay không đồng ý trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án. Tùy thuộc vào kết quả trả lời của bị đơn mà giải quyết như sau: a) Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị không có đương sự nào kháng cáo, viện kiểm sát không kháng nghị thì việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn đương nhiên không được chấp nhận. Trong trường hợp này bản án sơ thẩm được coi là không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. b) Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc viện kiểm sát kháng nghị hay không, tòa án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn khởi kiện cho tòa án cấp phúc thẩm để tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) mở phiên tòa giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Trường hợp đương sự có kháng cáo (bao gồm cả nguyên đơn) hoặc viện kiểm sát có kháng nghị, nhưng trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện, thì tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 269 của BLTTDS. (Khoản 1 Điều 269 của BLTTDS quy định: Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau: a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật). Khi tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 269 của BLTTDS, thì căn cứ vào quyết định của tòa án cấp sơ thẩm về án phí trong bản án sơ thẩm bị hủy, tòa án cấp phúc thẩm quyết định đương sự nào phải chịu án phí và mức án phí sơ thẩm. Đối với trường hợp này các đương sự còn phải chịu một nửa án phí phúc thẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định về việc rút đơn khởi kiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.