(HNM) - Quá tải trường mầm non công lập là thực trạng khá phổ biến hiện nay tại các tỉnh, thành phố lớn ở nước ta, bởi nguyên nhân thiếu trường, lớp và giáo viên.
Rõ ràng, đây là thông tin hữu ích với không ít gia đình, đặc biệt với người có điều kiện kinh tế eo hẹp. Về mặt xã hội, đây là bước tiến, vì dịch vụ tiệm cận ngày càng sát hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Với ưu việt ấy, có thể thấy đây là chủ trương tích cực. Song, đặt trong bối cảnh thực trạng trường, lớp mầm non công lập quá tải như hiện nay, quy định rất khó khả thi.
Thực tiễn, vấn đề này được phát triển từ quy định đã triển khai thí điểm tại một số trường mầm non công lập ở TP Hồ Chí Minh. Theo đó, đề án cho trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi vào trường mầm non công lập đã được thực hiện từ năm 2014, tuy nhiên, nhiều hạn chế đã bộc lộ khá rõ. Rất tiếc, đó vẫn là những tồn tại cố hữu đã “ăn sâu” như hệ thống cơ sở trường, lớp hạn chế, không đủ đáp ứng điều kiện ngặt nghèo trong trông, giữ các bé ở độ tuổi còn quá nhỏ. Thậm chí, điều cơ bản nhất là lực lượng giáo viên cũng thiếu cả về kinh nghiệm và số lượng. Hiện nay, lớp học dành cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên còn thiếu, và rất khó để có thể tìm được một trường công lập nào nhận trẻ từ 12 tháng tuổi… Đặc biệt, khi các vụ bạo hành trẻ nhỏ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, công tác quản lý trường mầm non còn nhiều hạn chế, thì quy định mở rộng đối tượng xuống độ tuổi thấp hơn nhiều thực tế hiện nay như trong dự thảo, có lẽ là điều quá vội vàng.
Để những quy định mang tính ưu việt này đi vào cuộc sống, nhất định phải bám sát các điều kiện của thực tiễn hiện nay để triển khai.
Đầu tiên, phải kể đến yếu tố về cơ sở vật chất và lực lượng giáo viên. Chỉ khi 2 yếu tố này đáp ứng được các quy chuẩn thì mới đưa quy định vào luật. Tránh việc đào tạo giáo viên theo kiểu “đi tắt” để đủ số lượng hay ép phụ huynh “đồng thuận” trong đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng được điều kiện nhận trẻ… Những điều này sẽ khiến quy định bị “chín ép” và gây tác hại khôn lường.
Một điều khác không kém phần quan trọng, đó là về cơ chế, chính sách. Trẻ dưới 3 tháng tuổi đòi hỏi điều kiện chăm sóc đặc biệt, cả về thời gian, chế độ ăn uống, sự nâng niu, yêu thương của giáo viên… Với mặt bằng học phí như hiện nay, e rằng không thể trang trải đủ. Vì lẽ trên, không nên thực hiện quy định này đại trà ở tất cả xã, phường, chỉ tập trung đầu tư ở những nơi thực sự có nhu cầu như nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp, đông công nhân, ưu tiên những vùng nhiều người lao động nghèo…
Đặc biệt, để quy định khả thi, các nhà làm luật nên nghiên cứu kỹ các mô hình đã triển khai thí điểm ở TP Hồ Chí Minh, những mô hình trường công lập hiếm hoi đang nhận trông trẻ dưới 18 tháng tuổi như Trường Mầm non 20-10 (Hà Nội) để tham khảo về cơ chế tự chủ tài chính và công tác tuyển sinh. Trên cơ sở thực trạng đó để thấy rõ hơn những bất cập chưa được giải quyết, rút ra những điều chỉnh phù hợp.
Chính sách ưu việt luôn nhận được sự hưởng ứng của người dân, nhưng cần có sự chuẩn bị kỹ càng, đồng bộ, theo lộ trình cụ thể với sự đầu tư tương xứng. Không nên để chủ trương mang tính nhân văn này đi vào “ngõ cụt” vì luật thiếu thực tiễn sẽ chỉ là văn bản "chết" và sau đó sẽ lại tốn rất nhiều tiền của để sửa đổi. Đó là điều không nên tái diễn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.