Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn chiều 16-11

Nhóm PV HNMO| 16/11/2015 13:17

(HNMO) - Theo điều hành của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, chiều nay (16/11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trả lời chất vấn của các ĐB về lĩnh vực mình quản lý.

16:58 16/11/2015

ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) phản ánh nhiều kiến nghị của cư tri về những khó khăn công chứng, chứng thực để vay vốn sản xuất do quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê. Điều này khiến khiến người dân quay sang vay nóng với lãi suất cắt cổ, phát sinh nhiều tiêu cực. Qua tìm hiểu, nguyên nhân do chính các hướng dẫn thực hiện Luật Công chứng, Luật Đất đai của Chính phủ chưa sát với tình hình thực tiễn. Thủ tướng cho biết vì sao hướng dãn thực hiện hai Luật trên chưa đồng bộ? Trách nhiệm thuộc về ai? Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về khắc phục những hạn chế trên trong thời gian tới?

ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình) gửi 3 câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính về cân đối ngân sách, cổ phần hoá thoái vốn ở các DN nhà nước và lĩnh vực thuế.

Theo dự điều hành của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, trong sáng mai (17/11), QH sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ báo cáo giải trình.

16:55 16/11/2015

ĐB Ngọc Vinh (Hải Phòng) chất vất Thủ tướng Chính phủ: Xin Thủ tướng cho biết địa vị pháp lý và hoạt động tổ chức của Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền người lao động có gì khác khi Việt Nam tham gia TPP?

ĐB này đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm rõ vấn đề: Ở các kỳ họp trước, Bộ trưởng hứa sớm khắc phục tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, chế biến nông sản chăn nuôi không đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng hiện nay tình trạng này không giảm mà còn gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm khiến “con đường từ dạ day tới nghĩa địa” như hơn gần, nguyên nhân là gì? Do chính sách chưa đủ răn đe hay thiếu quyết tâm? Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này?

16:48 16/11/2015

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu các ví dụ về thất thoát lãng phí lớn trong quy hoạch từ các công trình lớn đến không lớn. Đề nghị Chính phủ, bộ ngành, địa phương thực sự nâng cao công tác quy hoạch, chấn chỉnh có hiệu quả hạn chế yếu kém. ĐB nêu chất vấn tới Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về thực trạng mà cử tri phản ảnh ở nông thôn hiện nay không chỉ có phân bón giả, nông dân còn đối diện vật tư nông nghiệp giả. Giống cây trồng, vạt nuôi... tất cả đều có thể mua phải hàng giả. Bộ trưởng có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để cứu nông dân trước nạn vật tư nông nghiệp gỉa và kém chất lượng như hiện nay hay không?

ĐB Cương cũng nêu chất vấn tới Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang về tình trạng bôi trơn sổ đỏ. Một cử tri tại Hà Nội đã gửi thư đến ĐB về vấn nạn này với mong muốn QH không chỉ quan tâm đến ban hành luật mà phải quan tâm hơn nữa để chính sách đó đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân. "Bộ trưởng cho biết ý kiến và đừng bắt tôi cung cấp bằng chứng vì chỉ phản ánh ý kiến của cử tri mà thôi" - ĐB Cương nêu.

16:42 16/11/2015

 Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về những khó khăn trong xác định bệnh viêm thần kinh ngoại biên cấp với những người tham gia kháng chiến. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc xác định bệnh với những người nhiễm chất độc hóa học khó khăn, vì chiến tranh đã lùi xa, khi muốn xác định phải lấy máu xét nghiệm. Bộ Y tế đã ban hành 17 danh mục danh mục di tật phơi nhiễm dioxin, ban hành hướng dẫn chi tiết về chẩn đoán các bệnh di tật, bệnh với người tham gia kháng chiến nhiễm hóa chất độc hại.

Thời gian vừa qua, đã có hơn 2.000 trường hợp được xác minh nhưng Bộ Y tế đã nhận được phản ánh của các cơ sở y tế là khó khăn trong xác định xác định bệnh viêm thần kinh ngoại biên cấp, rối loạn tâm thần, tiểu đường với những người đã từng tiếp xúc với dioxin bởi nhiều trường hợp bị các bệnh này mà không phải phải do dioxin. Hiện Bộ Y tế đang soạn thảo sửa đổi thông tư về việc này và mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các cử tri.

16:35 16/11/2015

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trả lời câu của ĐB Nguyễn Ngọc Bảo về quỹ đầu tư mạo hiểm còn vướng mắc gì cho đến nay chưa thành lập được các quỹ này hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp?

Các quốc gia đi trước chúng ta có bài học rất đáng học tập là có hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là các quốc gia CNH. Ở Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi xây dựng Luật Công nghệ cao năm 2008, mới có điều khoản nói phải sớm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Các văn bản triển khai còn nhiều vướng mắc từ Luật Ngân sách, Luật Đầu tư và Luật Thuế. Bộ từng trình Chính phủ nghị định hướng dẫn quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng chưa được chấp nhận vì thiếu căn cứ pháp lý.

Hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm nhiều thành phần, có vai trò của nhà nước trong hỗ trợ cơ chế chính sách; nhà đầu tư nước ngoài trong nhập khẩu công nghệ Việt Nam; các tổ chức dịch vụ trong thị trường và đặc biệt là vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm. Nếu không có quỹ, sẽ không có hệ sinh thái khởi nghiệp. Nếu chưa có kế hoạch sửa Luật Công nghệ cao thì nếu được QH cho phép, báo cáo Chính phủ bổ sung một chương về đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ.

Thời gian tới, mong QH ủng hộ để có quy định pháp luật cao nhất để đầu tư mạo hiểm, tháo gỡ khó khăn cho DN khởi nghiệp.

16:30 16/11/2015

Trả lời câu hỏi của ĐB liên quan đến lĩnh vực KHCN, Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân cho biết, trong lĩnh vực hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, Chính phủ rất quan tâm, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, nguồn lực cho chương trình này lớn, nên thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhằm hỗ trợ DN nâng cao trình độ công nghệ. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, đặc biệt là luật pháp của Việt Nam chưa đồng bộ, nên trong quá trình xây dựng Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ có vướng mắc. Khi xây dựng Luật Công nghệ đã đưa nội dụng được QH ủng hộ là ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, kể cả tư nhân trong đổi mới công nghệ.

Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân


Về văn bản, Bộ cùng Bộ Tài chính xây dựng văn bản hướng dẫn, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã được bố trí kinh phí và năm nay đi hoạt động, hiện có hơn 200 DN đăng ký, đang xem xét đã hỗ trợ các DN này làm chủ công nghệ, có thể tạo ra công nghệ mới.

Chúng tôi được QH hàng năm dành 2% tổng chi NSNN cho đổi mới công nghệ, nhưng ngân sách khó khăn nên hàng năm chỉ có thể được bố chí khoảng 1,3-1,5% tổng chi ngân sách.

Hiện nhiều DN đăng ký phấn đấu để trở thành DN công nghệ cao vì được hưởng ưu đãi thuế nhưng các DN Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ nên ít DN đạt được DN công nghệ cao.

16:24 16/11/2015

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền giải đáp chất vấn của ĐB Trương Văn Vở về quy hoạch phát triển trường nghề chất lượng cao. Vào tháng 4/2012, Chính phủ phê duyệt chiến lược dạy nghề, giao Bộ LĐ-TBXH tham mưu xây dựng các trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Tháng 5/2014, Bộ đã trình và được Chính phủ phê duyệt hơn 40 trường. Tháng 6/2014, Bộ đã mời các trường đến bàn kế hoạch triển khai và xây dựng lộ trình thực hiện.


Về lộ trình thực hiện, chúng tôi có kế hoạch triển khai và tạo điều kiện để trường sớm đi vào hoạt động. Bộ cũng đã nhập 20 bộ giáo trình của các nước tiên tiến phù hợp với các nghề và đưa đi đào tạo giáo viên để về đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu mới và phối hợp với Úc cấp chứng chỉ cho hơn 1000 học sinh.

So với quy định thì đúng là chậm, nhưng đến năm 2014, Chính phủ mới ban hành quy hoạch nên triển khai có nhiều khó khăn.

Vấn đề 2 về chậm hướng dẫn quy trình đặt hàng dạy nghề, Bộ đã xây dựng hướng dẫn thực hiện quy trình đặt hàng dạy nghề và đã chỉ đạo mô hình điểm  đặt hàng dạy nghề. Tổng cục dạy nghề ký với  39 trường về đào tạo nghề theo địa chỉ với 12.000 học sinh, đến nay đã đào tạo được 7.000 học sinh. Tới đây, sau tổng kết đánh giá sẽ đào tạo nhân rộng

16:19 16/11/2015

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về những tồn tại của nông nghiệp nước ta và câu hỏi khó khăn chính là gì, giải pháp khắc phục?

Vấn đề ĐB Khá nêu, QH cũng đã nêu nhiều, Chính phủ cũng đã có nhiều báo cáo về nỗ lực thực hiện. Những tồn tại đó hầu hết có tính chất cơ cấu của nền nông nghiệp nên muốn giải quyết phải tổ chức thực hiện tốt chủ trương Chính phủ giao về tái cơ cấu nền nông nghiệp. Hơn 2 năm qua, Chính phủ chỉ đạo nhiều biện pháp, có tiến bộ nhưng tồn tại còn đó. Khó khăn lớn nhất là nền nông nghiệp nước ta dựa vào sản xuất của hộ gia đình. Chúng ta có tới gần 10 triệu hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ; nguồn lực của cả nhà nước và nông dân còn hạn chế; thực hiện chủ trương tái cơ cấu còn chậm, đem lại hiệu quả trên diện rộng. Hiện còn 16 địa phương chưa triển khai mạnh chủ trương này.

Về giải pháp, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành, các địa phương; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh hơn sự tham gia của bà con nông dân và cộng đồng DN; huy động bổ sung các nguồn lực để thực hiện chủ trương đề ra.

16:14 16/11/2015

Liên quan đến quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận tình trạng buôn lâu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng thực sự là vấn đề bức xúc. Theo Bộ trưởng, tình hình hàng giả, nhái, kém chất lượng dù theo thống kê cứ năm sau số vụ bắt giữ được, xử lý về quy mô tăng hơn năm trước. Bằng nhiều biện pháp, Bộ đã cố gắng xử lý nhưng chuyển biến chậm, Bộ trưởng Bộ Công thương xin nhận khuyết điểm trước QH về vấn đề này.


Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, đó là độ mở nền kinh tế lớn, mặt trái của kinh tế thị trường sâu hơn, chiều dài đường biên giới nước ta trên đất liền dài. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý thích hàng ngoại đã vô hình trung làm hàng giả, nhái, phát triển; chế tài xử lý sai phạm đến nay chưa đủ sức răn đe. Bộ đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh đề nghị bổ sung mức xử phạt với những hành vi này.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, một số kỳ họp gần đây Bộ đã báo cáo giải pháp và hôm nay tiếp tục báo cáo lại. Đầu tiên là nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường; nâng cao năng lực, phẩm của của đội ngũ này; xây dựng đề án nâng cấp Cục quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường để nâng cao khả năng, điều kiện làm việc của lực; phổ biến và tuyên truyền pháp luật để là người dân hiểu rõ hơn trong mặt trận đấu tranh chống buôn lậu; tăng cường kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm với sai phạm liên quan đến quy định luật thương mại. Ngoài ra, tiếng nói của nhân dân, phát hiện của báo chí rất quan trọng, vì vậy Bộ trưởng kiến nghị người dân và truyền thống thấy lực lượng thị trường sai phạm thì tích cực phản ánh. “Chúng tôi cam kết xử lý nghiêm túc sai phạm”, Bộ trưởng Huy Hoàng nhấn mạnh.


16:05 16/11/2015

Về câu hỏi ĐB Thân Đức Nam và một phần câu hỏi ĐB Nguyễn Thị khá về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết nhiều năm nay, Chính phủ khá quan tâm đến mảng hoạt động này nhằm tăng khả năng chế tạo trong nước, hạn chế nhập siêu.

Về cơ chế chính sách, sau một số năm thực hiện, đã ban hành một số văn bản: Quyết định số 12 của Chính phủ năm 2012 về cơ chế chính sách khuyến khích CNHT; Bộ Công thương ban hành quy hoạch về CNHT được phê duyệt 8/10/2014; Gần đây nhất, ngày 3/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 111 về hỗ trợ CNHT.

Đại biểu chất vất tại QH


Về triển khai thực hiện, trong những năm vừa qua, chúng ta làm được một số công việc, nâng giá trị gia tăng sản xuất trong nước như, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất trong nước ở lĩnh vực dệt may từ 10- 20% lên khoảng 50%; trong da giày từ 20% lên 60%; Với nhiều lĩnh vực sản xuất trong công nghiệp xi măng, xây dựng nhà máy nhiệt điện, tỷ lệ chúng ta tự làm trong nước tăng lên khá nhiều. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta từng bước phát triển ngành CNHT. Trong lĩnh vực công nghệ ô tô, với ô cô con dưới 9 chỗ ngồi tỷ lê nội địa hoá còn thấp nhưng với xe chở khách, xe tải 5 tấn trở xuống, đạt tỷ lệ đến 40%, thậm chí đến 85%.

Trong vận động hợp tác quốc tế, chúng ta đã đề nghị Chính phủ Nhật bản giúp đỡ ngành CNHT Việt Nam từng bước phát triển và họ đã triển khai một số công việc như giao JAICA hàng năm tổ chức triển lãm các mặt hàng CNHT mà họ có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.

Gần đây nhất, giữa Việt Nam với Hàn Quốc sau hơn 2 năm triển khai, ngày 4/11 đã khai trương vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ. Chính phủ Hàn Quốc cam kết chuyển giao 100 công nghệ về cơ khí chế tạo trong lĩnh vực thuỷ sản, chế biến lâm sản...

Tuy nhiên, đúng là bên cạnh kết quả bướ đầu đạt được, hạn chế của ngành CNHT còn tồn tại lớn. Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian tới cố gắng hơn nữa mới đáp ứng yêu cầu vươn lên xứng đáng với quy mô và vị thế kinh tế của nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn chiều 16-11

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.