(HNMO) – Sáng nay, 20/11, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Quốc hội với 7 chương, 102 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Theo luật, nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau. 60 ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.
Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội thành 16 điều tương ứng với 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã được ghi nhận tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp. Theo luật, Hiến pháp sẽ được Quốc hội thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
Đồng thời, luật cũng cụ thể hóa một bước các trường hợp Quốc hội xem xét quyết định việc trưng cầu ý dân, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân; cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật trưng cầu ý dân quy định.
Về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội, luật đã có các quy định để thể hiện rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thể hiện rõ các quyền của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên và tham gia các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội...
Luật cũng quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội để phù hợp với điều kiện thực tế của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương hay ở địa phương sẽ tùy thuộc vào yêu cầu công tác và thực tế hoạt động của Quốc hội trong từng thời gian, từng nhiệm kỳ cụ thể.
* Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội với 9 chương, 125 điều, trong đó có quy định về mở rộng đối tượng BHXH với nhóm lao động theo mùa vụ, ngắn hạn; bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có sự hỗ trợ của Nhà nước; sửa đổi cách tính lương hưu, thực hiện 2 lộ trình tính lương hưu trước khi thực hiện hoàn chỉnh mục tiêu đóng-hưởng để không tạo sự chênh lệch lương hưu giữa các đối tượng…
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.