Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội thảo luận về luật lưu trữ và đo lường

Vân An| 21/10/2011 11:17

(HNMO) - Sáng 21-10, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật lưu trữ và Luật đo lường đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đây là 2 dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này.


Bổ sung quy định về người nước ngoài tham gia lưu trữ

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của dự án luật nhưng quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng của luật và bỏ quy định về áp dụng điều ước quốc tế.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu về phông lưu trữ, Dự thảo Luật chỉnh lý đã quy định về Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các phông thành phần của Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và của Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; xác định rõ việc bảo quản, lưu trữ tài liệu có thể ở nhiều nơi và do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, nhưng quy trình, nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý về lưu trữ được thực hiện thống nhất.

Về tổ chức lưu trữ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, việc quy định chỉ tổ chức Lưu trữ lịch sử 2 cấp là ở trung ương và cấp tỉnh như trong dự thảo Luật là phù hợp, tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc; đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính. Đối với tài liệu lưu trữ ở Lưu trữ lịch sử đã được thành lập ở một số huyện hiện nay thì sau khi Luật này có hiệu lực sẽ được giao cho Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh quản lý. Việc lựa chọn, bảo quản, lưu trữ tài liệu của các cơ quan, đoàn thể ở cấp xã được giao cho nhân viên thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp xã là phù hợp.

Về sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử, Ủy ban Thường vụ đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Sau thời hạn 10 năm, kể từ năm công việc kết thúc, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nộp lưu tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn vào Lưu trữ lịch sử (gồm cả tài liệu đóng dấu chỉ các mức độ mật). Khi hết thời hạn 40 năm đối với tài liệu mật và 60 năm đối với tài liệu tối mật, tuyệt mật thì các tài liệu này đương nhiên được giải mật và sử dụng rộng rãi. Một số tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật có thể được giải mật trước thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Trong một số trường hợp, đối với tài liệu tối mật, tuyệt mật, tài liệu liên quan đến cá nhân, mặc dù đã đến thời hạn được sử dụng rộng rãi nhưng chưa được sử dụng rộng rãi thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời thảo luận thêm về các quy định liên quan đến tổ chức lưu trữ, khung lưu trữ, xử lý vi phạm, hướng dẫn thi hành…

Đáng chú ý, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị, dự thảo luật nên bổ sung các quy định về người nước ngoài tham gia lưu trữ và nên khai thác việc trao đổi lưu trữ.

Với lưu trữ đương đại, đại biểu Quốc cùng một số đại biểu khác nhất trí, nên có cơ quan lưu trữ cấp huyện, còn với lưu trữ lịch sử cấp huyện thì nên quy về cấp tỉnh. Như vậy, hạn chế được sự cồng kềnh của bộ máy và phát huy được hiệu quả hoạt động.


Quy định rõ hơn việc xử lý hành chính hành vi vi phạm về đo lường

Dự thảo Luật đo lường trình Quốc hội lần này có 9 chương, 58 điều, tăng 2 chương và 9 điều. Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung và làm rõ hơn các quy định liên quan đến đo lường khoa học và đo lường công nghiệp, xã hội hóa hoạt động đo lường, mức xử phạt với các hành vi vi phạm về đo lường, các phép đo…

Với các quy định về xã hội hóa hoạt động đo lường, dự luật quy định rõ hơn những khâu, lĩnh vực cần xã hội hóa như hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo… Đồng thời, bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đo lường, như: điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia, không phân biệt đơn vị sự nghiệp công lập hay tổ chức tư nhân; điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đo lường…

Về mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, dự thảo Luật xác định mức phạt sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, để tăng cường mức độ răn đe, dự thảo Luật quy định trong trường hợp đã áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm thì áp dụng mức phạt từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính đó.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung thẩm quyền xử phạt trong trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; một số hành vi vi phạm pháp luật về đo lường tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; cách tính số tiền xử phạt sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình và các quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn các quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, quy định về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm về đo lường, việc xử lý các tranh chấp về đo lường…

Đặc biệt, về các quy định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm về đo lường, các đại biểu Trần Thị Dung – Điện Biên, Mai Thị Ánh Tuyết- An Giang, Lê Minh Hiền – Khánh Hòa, Thân Đức Nam – Đà Nẵng, Hoàng Thanh Tùng – Sóc Trăng… đề nghị phải cân nhắc lại các quy định này cho chặt chẽ và khả thi hơn. Bởi dự luật chưa quy định căn cứ để áp dụng mức phạt cao gấp 1-5 lần số tiền thu lợi bất chính và trong trường hợp khi áp dụng, mức phạt tối đa có thể cao hơn mức phạt hành chính hiện hành thì sẽ không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Các đại biểu Tuyết, Hiền còn đề nghị, với vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, luật nên quy định về mức truy cứu hình sự để tăng tính răn đe.

Theo chương trình, cả hai dự luật trên sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11/11 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về luật lưu trữ và đo lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.