Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật, 9 nghị quyết; thảo luận cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội có nhiều đổi mới, khoa học, hiệu quả thiết thực. Các đại biểu Quốc hội đã phát huy trách nhiệm, tâm huyết, dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, phát biểu sâu sắc, tâm huyết, đa chiều trên nhiều lĩnh vực.
Điểm nổi bật tại kỳ họp là phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội theo 4 nhóm lĩnh vực. Việc Quốc hội chất vấn theo nhóm lĩnh vực vừa là áp lực nhưng cũng là động lực cho các “Tư lệnh ngành” thấy cần phải tăng cường trách nhiệm, phối hợp hơn nữa để tập trung giải quyết vấn đề phụ trách.
Một điểm nhấn nữa tại kỳ họp là việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà của đông đảo cử tri, nhân dân và dư luận xã hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Với cử tri Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, đã có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, tâm huyết, đi thẳng vào các nội dung trọng tâm của dự thảo. Dù mới được trình Quốc hội lần đầu, nhưng dự thảo Luật đã nhận được nhiều kỳ vọng từ toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân Thủ đô và cả nước, với mong muốn Luật sớm được ban hành, góp phần khơi thông các nguồn lực, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả Vùng Thủ đô và cả nước.
Kỳ họp thứ sáu vừa kết thúc cho thấy, Quốc hội luôn xác định đổi mới hoạt động giám sát là một trong những trọng tâm. Việc giám sát, tái giám sát hay đánh giá kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành luôn được coi trọng. Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, công tác chuẩn bị tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn được xem xét kỹ lưỡng. Thông qua giám sát để các cơ quan cùng tìm ra giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển.
Để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp. Ngay sau kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp; thể hiện việc giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp.
Đây là lần thứ hai Quốc hội bố trí, sắp xếp thành hai đợt họp. Điều này cho thấy sự linh hoạt, thích nghi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Tinh thần đổi mới ở nghị trường đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội - một Quốc hội dân chủ, của dân, do dân, vì dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.