Do không được phép hút mật để bán, hàng chục trại nuôi gấu ở Hạ Long không có tiền để nuôi dưỡng, chăm sóc đầy đủ cho đàn gấu của mình, khiến chỉ trong năm 2014 có tới 106 con gấu chết; có ngày ở một trại có tới 4 con gấu chết.
Các cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế bàn thảo mãi để cứu gấu nhưng chẳng đi đến đâu vì các chủ trại không thể chuyển giao miễn phí số gấu của mình cho người khác chăm sóc, trong khi các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế chẳng lấy đâu ra tiền mua lại.
Gấu đang vắng dần tại trại Nông Trang, Đại Yên, Hạ Long |
Nuôi gấu như chăn… lợn
Theo số liệu mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2014, số lượng gấu chết trên toàn tỉnh này là 106 cá thể, tập trung chủ yếu ở trại Nông Trang, thuộc phường Đại Yên và Trường Thịnh, thuộc phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long.Trong đó, chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 2014, tại hai trại này có 12 con gấu chết, thậm chí, có ngày tại một trại có 4 cá thể gấu chết cùng một lúc.Theo ông Mạc Văn Xuyên – Phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, ngoài việc hầu hết các cá thể gấu trên địa bàn tỉnh đều có độ tuổi trung bình cao, từ 15-20 tuổi, trong khi vòng đời chỉ khoảng 25-30 tuổi, thì nguyên nhân do chính là gấu bị suy dinh dưỡng nặng. Những năm trước đây, hầu hết các trại gấu được mở ra ở TP.Hạ Long đều nhằm mục đích phục vụ du khách đến thăm và mua mật.“Từ đầu năm 2014, việc không thể chích hút mật gấu để bán cho do các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ đã khiến các chủ trại không còn đủ nguồn chi cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng gấu” – ông Xuyên cho biết.
Trại Nông Trang của ông Nguyễn Trọng Bờ từng là trại nuôi gấu lớn nhất ở Quảng Ninh, thời cao điểm lên tới hơn 40 cá thể gấu. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng gấu của ông Bờ chỉ còn 13 con, do chết dần bởi suy nhược cơ thể và bệnh tật.Số còn lại cũng đang trong tình trạng suy kiệt. Một nhân viên của ông Bờ cho biết, hiện, mỗi ngày trại chỉ cho 13 cá thể gấu ăn một bữa, gồm cám, rau và 5-7 kg bì lợn. “Lượng lương thực, thức ăn hiện ít hơn nhiều so với trước, nhưng chúng cũng không ăn hết có lẽ do thức ăn không ngon, không đủ chất” – nhân viên này cho biết.“Trước đây có điều kiện, gấu được ăn bí đỏ ninh xương, thỉnh thoảng được ăn mật ong để chống bệnh đường ruột. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, gấu được ăn như thế đã là tốt lắm rồi” – một chủ trại gấu chia sẻ – “Nếu nuôi, chăm sóc gấu như trước thì chi phí cho mỗi con lên tới vài triệu/tháng. Trại 10-15 con mỗi tháng riêng tiền nuôi gấu đã lên tới vài chục triệu đồng, chưa nói tới tiền thuê nhân công, điện nước, thuê mặt bằng…”
Một cá thể gấu đang ngấp ngoái |
Họp cứ họp, gấu vẫn chết
Hiện, trên địa bàn Quảng Ninh còn 15 cơ sở nuôi nhốt gấu, với 53 cá thể của 19 chủ nuôi; trong đó, TP.Hạ Long có 22 cá thể, thị xã Quảng Yên có 19 cá thể, TP.Cẩm Phả có 7 cá thể. Tuy nhiên, phần lớn số gấu trên đang trong tình trạng suy kiệt về sức khỏe do các chủ trại không còn nguồn thu nào từ gấu.
Mới đây, Tổ chức Động vật Châu Á đã có công văn gửi một loạt các cơ quan chức năng và báo chí, kêu gọi nhanh chóng ra tay cứu những cá thể gấu còn lại đang trong tình trạng nguy cấp.Ngày 27.1, các sở, ban ngành liên quan của Quảng Ninh đã họp khẩn nhằm tìm ra các biện pháp cứu gấu. Tuy nhiên, cũng như bao cuộc họp khác, giải pháp vẫn là…đề xuất các cơ quan cấp trên có phương án di chuyển toàn bộ số gấu trên đến các trung tâm cứu hộ có đủ điều kiện và có cơ chế tài chính hợp lý cho các chủ nuôi. Tài chính được cho là vấn đề quyết định trong việc cứu những cá thể gấu còn lại ở Quảng Ninh, nhất là đối với các trại có số lượng lớn cá thể gấu.Nhiều chủ trại gần như buông trại gấu vì cố gắng lắm thì cũng chỉ đủ lực cho gấu ăn cầm hơi. Tuy nhiên, không dễ gì họ chuyển giao miễn phí gấu cho các trung tâm cứu hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.