Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý hành vi quảng cáo, rao vặt trái phép, song thực tế, tình trạng này vẫn bùng phát khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.
Do đó, cùng với công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghiêm quy định về quảng cáo, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, có chế tài mạnh đối với các vi phạm, nhất là vi phạm tái diễn nhiều lần.
Nhếch nhác bộ mặt đô thị
Ghi nhận thực tế tại địa bàn quận Long Biên, hầu hết các bức tường trên phố Hoàng Minh Đạo đều bị dán tờ rơi. Quảng cáo mới đè lên vết bóc cũ, trông rất nham nhở, nhếch nhác. Các cột điện cũng là "nạn nhân" của vấn nạn này, với đủ loại quảng cáo, rao vặt về cho vay và hỗ trợ trả góp, tín dụng đen, sửa nhà...
Tương tự, khoảng 20 trụ, bốt điện trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) đều bị dán tờ rơi nội dung sửa nhà, cần thì liên hệ số điện thoại 0972.877… Nhiều tờ rơi cũng được bóc, dán đè lên nhau chằng chịt.
Tại quận Cầu Giấy, ghi nhận của phóng viên cho thấy, dọc sông Tô Lịch (địa bàn phường Quan Hoa), những cột điện trở thành nơi quảng cáo của dịch vụ sửa xe máy lưu động 24/24giờ. Không những vậy, trên tuyến phố Nguyễn Khánh Toàn, dải phân cách phố Nguyễn Phong Sắc, hàng chục biển quảng cáo lấp ló; không ít cây xanh bị đóng đinh để làm móc treo cho quảng cáo, rao vặt.
Tại dải phân cách trên đường Trần Đăng Ninh, các biển quảng cáo dịch vụ bán thuốc, điện thoại, mua bán nhà đất… được treo dưới mỗi hàng cây. Chị Nguyễn Thanh Thùy, người dân ở gần phố Nguyễn Phong Sắc cho biết, thỉnh thoảng lực lượng công an, dân phòng, đoàn thanh niên phường ra quân bóc gỡ biển hiệu quảng cáo, nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng quảng cáo, rao vặt tràn lan lại trở về như cũ...
Quảng cáo, rao vặt trái phép không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn trở thành nơi “tiếp tay” của những tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, vay lãi, lừa đảo việc làm... Một số sinh viên khi trót vướng vào chơi game nợ tiền nên nghĩ đến việc vay lãi tín dụng đen được quảng cáo rộng khắp. Một số người đã dính bẫy lừa đảo việc làm khi gọi điện tìm việc ở số điện thoại trên tờ rơi.
Chế tài xử phạt còn nhẹ
Về việc xử lý quảng cáo, rao vặt trái phép tại địa phương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Thị Minh Hồng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 197 quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hàng trăm đợt ra quân, phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng... trong đó, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm về quảng cáo. UBND quận thường xuyên có văn bản chỉ đạo các phường ra quân, tổ chức bóc, xóa tờ rơi quảng cáo, rao vặt trên các tuyến phố. Về lâu dài, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận yêu cầu các phường tổng hợp danh sách số điện thoại in trên tờ rơi, quảng cáo, rao vặt trái phép gửi UBND quận, để quận gửi Sở Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đối với các thuê bao vi phạm nhiều lần thì đề xuất phương án thu hồi số điện thoại.
Còn theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Cường, quận rất quyết liệt trong việc xử phạt hành chính, thu hồi số thuê bao di động của cá nhân, đơn vị ghi trên tờ rơi, quảng cáo rao vặt. Song song với đó, quận cũng thường xuyên tổ chức ra quân bóc, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, lập nhiều bảng tin rao vặt miễn phí phục vụ nhân dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo để người dân hiểu, chấp hành nghiêm quy định.
Còn theo UBND quận Đống Đa, quận đã bố trí 24 bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí, đáp ứng nhu cầu quảng cáo, rao vặt của người dân trên địa bàn. UBND quận cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các phường tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về quảng cáo, biển hiệu; đồng thời, ngăn chặn không để tái phạm, xuất hiện mới quảng cáo, biển hiệu vi phạm trên địa bàn quận... Tuy nhiên, theo UBND quận Đống Đa, công tác xử lý vi phạm quảng cáo, rao vặt trái phép còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng vi phạm thường lén lút hoạt động vào ban đêm.
Bên cạnh đó, theo các địa phương, tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép vẫn liên tục tái diễn là do chế tài xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo, rao vặt trái phép bị xử phạt mức tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 đến 4 triệu đồng đối với tập thể. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng chấp nhận bị xử phạt. Các đối tượng cũng chấp nhận việc bị thu hồi thuê bao di động gắn trên nội dung quảng cáo, rao vặt và tiếp tục sử dụng sim điện thoại khác để thực hiện hành vi vi phạm.
Nỗ lực xóa nạn quảng cáo, rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, thời gian qua, thành phố, các địa phương đã tích cực vào cuộc bóc xóa, bố trí các điểm quảng cáo, rao vặt miễn phí, cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, các giải pháp trên xem ra vẫn chưa triệt để. Nên chăng, cần tăng nặng mức xử phạt với cá nhân, tổ chức cố tình tái diễn vi phạm? Có như vậy mới không có chuyện chấp nhận nộp phạt để tiếp tục tái phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.