Mưa lớn liên tục đã khiến 45 nhà dân ở thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bị ngập, nơi ngập sâu nhất khoảng 2,5m.
Sạt mái ta luy đường sắt ở khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn (thuộc xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình). Ảnh: Xuân Trường/TTXVN |
Ngày 14/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 13/10 và 14/10, hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to gây ngập nặng, lốc xoáy xuất hiện một số nơi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Theo đó, tính đến 11 giờ ngày 14/10, tại Quảng Bình tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300 mm; lũ trên các sông vẫn đang lên. Mực nước sông Kiến Giang tại thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) là 11.17m trên báo động II là 0.17m; sông Nhật Lệ tại thành phố Đồng Hới 1.38m trên báo động II là 0.38m.
Vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 14/10, tại thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, ông Thái Xuân Năng (62 tuổi) đi dắt bò về, lúc lội qua ngầm tràn giữa thôn 3 và thôn 4 Yên Thọ đã bị nước cuốn trôi, mất tích. Hiện nay, các lực lượng đang triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn nhưng vẫn chưa tìm được.
Mưa lớn liên tục đã khiến 45 nhà dân ở thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) bị ngập, nơi ngập sâu nhất khoảng 2,5m. Trong tổng số tàu thuyền toàn tỉnh là 4.143 phương tiện với 16.842 lao động, vẫn còn 26 phương tiện với 171 lao động đang hoạt động ở vùng biển (Bạch Long Vĩ - Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nhiều địa phương, tuyến đường trong toàn tỉnh ngập sâu trong nước, giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Tại huyện Minh Hóa, đất đá sạt lở đường giao thông ở thôn Phù Nhiêu, xã Thượng Hóa; đường Hồ Chí Minh Đông đoạn bắc đèo Đá Đẻo (Km 909 - 911) nước ngập sâu 0,8m gây tắc đường; đường vào bản đồng bào Rục bị ngập và chia cắt. Mưa lớn gây ngập nặng và chia cách tại các xã Tân Hóa, ngầm tràn nối xã Tân Hóa với Minh Hóa,cầu tràn Kim Bảng (xã Minh Hóa), đường tỉnh 559B Km 42+10, xã Hóa Sơn, thị trấn Quy Đạt, Quốc lộ 12A, Km 68+800.
Mưa lớn và liên tục suốt hai ngày qua khiến nhiều xã, thôn, bản tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch... ngập sâu (trung bình từ 1m-2.8m) và bị chia cách, có nơi bị cô lập.
Các tuyến đường lớn tại thành phố Đồng Hới như Lý Thường Kiệt, Hữu Nghị, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Dương Văn An... ngập sâu trong nước, các phương tiện giao thông qua lại rất khó khăn. Huyện Tuyên Hóa có xã Văn Hóa, đường sắt Bắc-Nam tại hầm số 02 từ Km 456+00 - Km 456+90.
Huyện Bố Trạch nặng nhất là xã Hưng Trạch, tại ngầm Bùng, Quốc lộ 15, Km562+200, xã Sơn Trạch, đường tỉnh 562, từ Km14-km 15, Quốc lộ 15 đoạn từ Km 553+00-km 556+200, thị trấn Nông trường Việt Trung, đường tỉnh 563, Km 7+500.
Tại huyện Lệ Thủy bị ảnh hưởng nặng tại xã Ngân Thủy: Quốc lộ 9B, Km 41+980; km 43+700.... Tại các địa phương và các điểm giao thông trên, các phương tiện và người hầu như không thể qua lại được. Đặc biệt, lốc xoáy xảy ra lúc 7 giờ ngày 14/10 tại xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) đã làm 7 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn; 5 nhà bị tốc mái 50%, 2 người bị thương nhẹ. Tại xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), lốc xoáy cũng đã làm trường mầm non Võ Ninh tốc mái. Xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) lốc xoáy cũng làm tốc mái 30 nhà dân và khiến 1 người bị thương.
Ngay khi có thông báo thiệt hại do mưa và lốc xoáy gây ra cho người dân, lãnh đạo địa phương cùng các đơn vị, đoàn thể đã kịp thời đến hiện trường chỉ đạo, khắc phục hậu quả; cử người chốt chặn tại các tuyến đường chia cắt, tổ chức di dời dân và tài sản tại những nơi bị ngập lụt, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, trực sẵn sàng đối phó ở các công trình hồ đập lớn để có phương án xử lý kịp thời trước diễn biến bất thường của mưa bão...
Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố nơi có thiệt hại do mưa lớn và lốc xoáy gây ra cũng đã đến thăm hỏi, động viên bà con nhân dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống. Tại các tuyến đường trọng yếu bị ngập sâu trên địa bàn thành phố Đồng Hới và những nút giao thông quan trọng tại các địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh và các đơn vị chức năng đã phân công cán bộ, chiến sĩ cắm chốt tại các điểm; hướng dẫn và giúp đỡ người, phương tiện tham giao giao thông theo các tuyến đường an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Quảng Bình, đến chiều tối nay, mưa lớn vẫn tiếp diễn trên diện rộng, chưa có dấu hiệu suy giảm; tình trạng ngập sâu, nhiều nơi bị chia cách, cô lập, giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Mực nước trên các sông tiếp tục lên. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng tại chỗ; cắm chốt trực... nhằm ứng cứu cho người dân khi cần thiết; đặc biệt lưu tâm các vùng xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ quét. Đồng thời, các địa phương cũng sẵn sàng ứng cứu, di dời, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ các vùng bị cô lập. Nhiều trường học trên địa bàn đã có thông báo cho học sinh nghĩ học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.