Nông nghiệp

Hướng đến xuất khẩu sản phẩm OCOP

Nguyễn Mai 26/01/2024 - 06:53

Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhất cả nước, với hơn 2.700 sản phẩm.

Đi cùng với phát triển số lượng, thời gian qua, Hà Nội đã hạn chế đánh giá, công nhận đối với những nông sản tươi sống, ưu tiên nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu. Nhờ đó, vị thế và giá trị sản phẩm OCOP được nâng cao, hướng tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.

hoi-dong-tham-dinh-san-pham.jpg
Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đánh giá sản phẩm trà sen Tây Hồ của chủ thể Lưu Thị Hiền (quận Tây Hồ) đạt OCOP 4 sao.

Ưu tiên sản phẩm chế biến sâu

Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) đang sản xuất chuối với quy mô 100ha. Mới đây, hợp tác xã đưa sản phẩm chuối dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đủ điều kiện công nhận 4 sao.

Giám đốc Hợp tác xã Doãn Văn Thắng cho hay, so với trồng ngô thì trồng chuối hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần, thu nhập của mỗi người trồng chuối đạt từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chuối Vân Nam đang cung cấp cho bếp ăn của các đơn vị quân đội, trường học trên địa bàn huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hợp tác xã đã chuẩn bị lượng hàng lớn để cung cấp cho thị trường, nhất là chuối bày mâm ngũ quả.

“Hợp tác xã được chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp hỗ trợ kho lạnh, dây chuyền sơ chế, bảo quản chuối, được cấp mã vùng trồng. Nếu được công nhận OCOP 4 sao, chúng tôi sẽ xúc tiến thương mại để tiến tới xuất khẩu chuối”, ông Doãn Văn Thắng thông tin.

Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam chỉ là một trong số nhiều chủ thể OCOP tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và hướng đến chế biến sâu để xuất khẩu. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, năm 2023, 26 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã đánh giá được tới 544 sản phẩm, vượt xa chỉ tiêu giao là 400 sản phẩm.

Trong đó, có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao (của 50 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh). Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế biến, chiếm 51,5%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc, chiếm 26,1%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, chiếm 2,9%... Kết quả này cho thấy, các sản phẩm thực phẩm chế biến chiếm vai trò chủ đạo trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã có hơn 2.700 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Từ năm 2022, thành phố đã chỉ đạo công tác đánh giá, phân hạng phải tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu. Bởi vì, các sản phẩm tươi sống khó vận chuyển, khó bảo quản và giá trị không cao. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP năm 2023 của thành phố được đánh giá theo Quyết định số 148/QĐ-TTg (ngày 24-2-2023) của Thủ tướng Chính phủ về quy định bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, các sản phẩm được phân hạng 4 sao phải đáp ứng nhiều tiêu chí, khó hơn so với giai đoạn trước, trong đó có yêu cầu phải được chứng nhận sở hữu trí tuệ.

Hướng tới thị trường nước ngoài

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 cho thấy, nhiều sản phẩm hướng tới mục tiêu xuất khẩu hoặc đã xuất khẩu thành công.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, trong số các sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 4 sao, miến dong Minh Dương đã xuất khẩu đến 30 quốc gia. Còn sản phẩm trà sen Tây Hồ của hộ kinh doanh Lưu Thị Hiền là gia đình có 7 đời làm trà sen đã được các cơ quan trung ương lựa chọn để tổ chức các tiệc trà khi tiếp khách quốc tế.

Bên cạnh công tác phát triển sản phẩm mới chú trọng chất lượng, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố cũng thường xuyên kiểm tra để yêu cầu, nhắc nhở, vận động các hộ, các hợp tác xã giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, Văn phòng cũng hỗ trợ các hộ hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm theo đúng quy định để dễ nhận diện, hấp dẫn người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Hà Nội xác định, cùng với phát triển sản phẩm OCOP phải chú trọng công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Hằng năm, thành phố tổ chức nhiều sự kiện để các chủ thể OCOP chia sẻ về cách xây dựng và phát triển sản phẩm. Đồng thời, thành phố cũng xúc tiến thương mại cho sản phẩm và hỗ trợ chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín do quốc tế tổ chức. Qua đó, chủ thể OCOP có nhiều cơ hội quảng bá, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng và tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.

“Hà Nội vừa đưa 8 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham dự Hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ quốc tế lần thứ 27 tại Fieramilano Rho-Pero, Milan (Italia) với tư cách là khách mời đặc biệt được tổ chức từ ngày 2-12 đến 10-12-2023. Sau hội chợ, đã có doanh nghiệp nước ngoài tới Hà Nội đặt vấn đề hỗ trợ thiết kế mẫu về lụa và thêu cho sản phẩm làng nghề thành phố”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến xuất khẩu sản phẩm OCOP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.